15:00 13/07/2022

Xuất khẩu đồ gỗ lao đao trước “bão” lạm phát toàn cầu

Chu Khôi

Trong giai đoạn “sóng gió” Covid-19, xuất khẩu ngành gỗ vẫn tăng trưởng cao, tăng 18% về giá trị trong năm 2021. Nhưng nay khi đại dịch Covid-19 đang dần qua đi, xuất khẩu đồ gỗ lại giảm, nguyên nhân do đâu?...

Xuất khẩu đồ gỗ đang gặp khó khăn
Xuất khẩu đồ gỗ đang gặp khó khăn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ là 1,03 tỷ USD, giảm 18,1% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,14 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2021 ngành gỗ đạt được thành tích ngoạn mục, thiết lập kỷ lục xuất khẩu 14,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng rất tích cực, với 5 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 7 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

XUẤT KHẨU ĐỒ GỖ BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

Tuy nhiên, những tháng gần đây xuất khẩu đồ gỗ đang có xu hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 5/2022 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,38 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Sang đến tháng 6/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ là 1,03 tỷ USD, giảm 18,1% so với tháng 6/2021.

Theo Tổng cục Hải quan.

Đáng chú ý, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính giảm nhẹ, thì xuất khẩu các mặt hàng như dăm gỗ; gỗ, ván và ván sàn; cửa gỗ; đồ gỗ mỹ nghệ lại tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, do đồ gỗ chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nên sự tăng trưởng của những mặt hàng này cũng không bù lại được với những khó khăn về xuất khẩu đồ gỗ. Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ và Trung Quốc đều giảm rất mạnh.

Theo phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 cho Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay giảm rất mạnh, với mức giảm hơn 21%. Do tác động bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp đồ gỗ rất khó khăn khi thông quan hàng đồ gỗ tại các cửa khẩu cả trên bộ và tại các cảng biển của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá gỗ nguyên liệu tăng cao đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. Nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao nên người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Vì vậy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 giảm tốc.

XUẤT KHẨU SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ GIẢM TỐC

Trong 6 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang thị trường Hoa Kỳ đạt 5,08 tỷ USD, chiếm 66,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ đạt 8,8 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020. Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm 87,6% tổng kim ngạch cả năm, tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách, phòng ăn và đồ nội thất phòng ngủ.

Xuất khẩu đồ gỗ lao đao trước “bão” lạm phát toàn cầu - Ảnh 1

Trong thời gian dịch bệnh Covid diễn ra, các quốc gia thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, người lao động làm việc tại nhà nên họ có nhu cầu cao về trang bị bàn ghế, giường, tủ mới nhằm tạo không gian đẹp hơn. Chính vì vậy, người tiêu dùng thế giới có thêm thời gian và nguyện vọng mua sắm, tìm kiếm các sản phẩm, đồ gỗ nội thất trên mạng, khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường. Nhờ đó, xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ nói riêng, sang mọi thị trường nói chung đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021.

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ vô cùng khó khăn. Theo Vifores, cho dù dịch bệnh Covid-19 đã đỡ căng thẳng, nhưng do tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Người tiêu dùng ở các nước Hoa Kỳ và EU đang tập trung nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu, do đó đồ gỗ không được coi là đồ dùng thiết yếu nên bị nhiều người cắt giảm chi tiêu mua vào thời điểm này.

 

"Không chỉ Hoa Kỳ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường lớn khác như EU, Hàn Quốc … cũng bắt đầu có dấu hiệu khó khăn do lạm phát".

Nhận định của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao, cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất tăng, càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nước ta.

Trước tình hình đó, ở thời điểm này các chuyên gia đều thận trọng trong việc đưa ra nhận định về tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm nay. Tuy nhiên, nhờ trị giá xuất khẩu trong nửa đầu năm đã ở mức cao nên nhiều khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm vẫn có thể ở mức tương đương với năm 2021 hoặc cao hơn một chút.

Do đơn hàng đang có xu hướng giảm, không còn đổ về dồn dập như trước nên các doanh nghiệp cũng đang tính toán lại về đơn hàng, bạn hàng để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối ưu nhất và giữ được thị trường, khách hàng trong bối cảnh lạm phát cao vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu.

 
 
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest)
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest)

Đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột Nga - Ukraine khiến cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Bài toán đặt ra cho ngành hiện nay là làm thế nào chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5-6 triệu m3 mỗi năm như hiện nay. Làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ lớn, có chất lượng, đa dạng về chủng loại loài và bền vững? Đây là những câu hỏi hết sức cấp thiết mà ngành cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu chúng ta muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của ngành.

 
 
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM

Từ tháng 6/2022, các doanh nghiệp ngành gỗ bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng xuất khẩu do lạm phát cao tại các thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ chiếm tới 60% trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam nên tình trạng lạm phát quá cao ở thị trường này đang tác động không nhỏ tới ngành gỗ nước ta khi mà nhiều nhà nhập khẩu ở Hoa Kỳ đã giảm mua đồ gỗ. Không chỉ Hoa Kỳ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường lớn khác như EU, Hàn Quốc … cũng bắt đầu có dấu hiệu khó khăn do lạm phát.