19:00 18/06/2021

Người Việt vẫn ưu ái sản phẩm công nghiệp văn hóa “ngoại”  hơn “nội” ?

Nhật Dương

Các khảo sát cho thấy, ngoài khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, thì sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn dành sự ưu ái cho hàng “ngoại”  nhiều hơn “nội”…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin này được các chuyên gia cho biết tại tọa đàm do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 18/6 với chủ đề Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.  

 NHIỀU THẾ MẠNH ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Hà Nội là thành phố có nhiều thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa như: quy mô dân số khoảng 8 triệu người là một thị trường tiêu thụ tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa; cơ cấu dân số vàng; hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa….

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố), trong đó giá trị gia tăng của các ngành nghệ thuật, vui chơi giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố).

Đặc biệt, tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng nghề của thành phố vào khoảng 983,5 triệu USD năm 2018 (chưa bao gồm phần doanh thu gián tiếp do khu vực nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian tạo ra); kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ cũng đạt 192 triệu USD .

“Sự thay đổi này cho thấy công nghiệp văn hóa Hà Nội đang phát huy tương đối hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hóa, thông qua hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Từ đó, từng bước góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế của thành phố”, TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Theo đánh giá, các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh cạnh tranh tại Hà Nội cho thấy, du lịch văn hóa xếp hàng đầu, tiếp đến là những ngành như điện ảnh, thủ công mỹ nghệ; nghệ thuật biểu diễn, truyền hình và phát thanh; quảng cáo...

Trong đó, riêng đối với ngành điện ảnh, Hà Nội có nhiều thuận lợi để phát triển, như có nhiều cơ sở điện ảnh, mức sống văn hóa và nhu cầu tiêu dùng điện ảnh của người dân cao. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016 – 2020, các đơn vị trên địa bàn đã tổ chức hơn 20.800 buổi chiếu phim, trong đó gần 14.600 buổi chiếu phim có thu.

 

Theo số liệu của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, trong tổng số 43.704 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn, có nhiều doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt ở mảng thiết kế, thiết kế nội thất, thiết kế đô thị, thiết kế hội họa…

Đối với ngành quảng cáo, theo thống kê, hiện nay quảng cáo trực tuyến chiếm khoảng 60%, truyền hình khoảng 30%, báo chí 5%, quảng cáo ngoài trời khoảng 3%. Tạm tính đóng góp trực tiếp của ngành quảng cáo không tới 5% GRDP nhưng đóng góp gián tiếp xấp xỉ 70% GRDP vì kinh doanh không thể không có quảng cáo.

Với du lịch, TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho rằng, những năm gần đây Hà Nội trở thành điểm thu hút mạnh du khách quốc tế nhờ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng. Lượng du khách tới Hà Nội có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, mức tăng trưởng bình quân hiện nay doanh thu du lịch ổn định mức 15,1%.

TẠO CƠ CHẾ THU HÚT ĐẦU TƯ

Dù được đánh giá có nhiều thế mạnh, song theo các chuyên gia, ngành công nghiệp văn hóa tại Hà Nội vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng.

“Các khảo sát cho thấy ngoài khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, thì sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn còn ưu ái hàng ngoại nhiều hơn nội”, TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.

Đặc biệt, môi trường thể chế hiện chưa tạo được sự đột phá có khả năng giải phóng sức sáng tạo văn hóa. Thực tế, thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các quốc gia châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Một số thách thức tiếp theo là cơ chế phối hợp chưa đồng bộ; công nghiệp văn hóa chưa được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và chưa tạo được sức hút.

Từ thực tế này, TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất, để phát triển hiệu quả ngành công nghiệp văn hóa, cần có cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa. Cùng với đó là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Đồng quan điểm, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, cần đánh giá đúng tiềm năng của ngành công nghiệp văn hóa để có định hướng ưu tiên đầu tư. Đặc biệt, chú trọng đến chiến lược đào tạo con người mà trước đây nhiều ngành công nghệp văn hóa đã bỏ quên do tập trung vào thị hiếu, thị trường.

“Tôi cũng nghĩ rằng, có lẽ nên xây dựng quy tắc đạo đức đối với việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế cũng như xã hội hóa khai thác các di sản. Đúng là có những vấn đề xã hội hóa rất tốt, nhưng cũng có những việc chưa đánh giá được là xã hội hóa có đi vào đời sống hay không và lợi ích mang lại thực sự cho cộng đồng là gì”, TS Lê Thị Minh Lý cho biết.