10:37 02/06/2021

Ghi danh 10 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Thanh Xuân

Các di sản này thuộc các loại hình nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định đưa 10 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trong đó, Hà Nội có hai di sản gồm Lễ hội Năm làng Mọc và Lễ hội kết chạ Phú Mỹ-Kiều Mai. Ngoài ra còn có Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Hà Tĩnh; Nghề làm nước mắm Phú Quốc, Kiên Giang; Lễ “Ét đông” Kon Tum; Lễ hội xã Đại Đồng, Vĩnh Phúc; Nghề thêu ren Thanh Hà, Hà Nam. Riêng Lào Cai có 3 di sản Lễ hội đua ngựa Bắc Hà; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín và Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa chính thức được ghi danh.

Trong 10 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh đợt này có nghề làm nước mắm Phú Quốc với chiều dài lịch sử trên 200 năm. Ngày 27/5, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1730/QĐ-BVHTTDL công nhận nghề làm nước mắm ở Phú Quốc, phường Dương Đông, phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nghề làm nước mắm Phú Quốc tiếp tục hướng tới việc được UNESCO công nhận trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Điều này giúp tăng giá trị thương hiệu cho nước mắm Phú Quốc, góp phần nâng tầm di sản văn hóa bản địa và quảng bá hình ảnh thành phố đảo Phú Quốc đến với bạn bè quốc tế.

Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đây là động lực để người dân các làng nghề tiếp tục gìn giữ, phát huy những tinh hoa  truyền thống của cha ông để lại.