Nhân tố nào đưa đồng USD lên đỉnh hơn 2 năm?
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác như Euro và Bảng Anh đạt gần 102 điểm vào tối ngày 26/4 theo giờ Việt Nam...
Tỷ giá đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 và trên đà hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ 2015, nhờ được hỗ trợ bở khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác như Euro và Bảng Anh đạt gần 102 điểm vào tối ngày 26/4 theo giờ Việt Nam. Theo dữ liệu từ trang MarketWatch, trong vòng 1 năm qua, chỉ số này đã tăng hơn 12%.
Xu hướng tăng của đồng USD diễn ra trong bối cảnh những dự báo cho rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác. Lãi suất ở Mỹ tăng lên khuyến khích giới đầu tư quốc tế bán các tài sản định giá bằng các đồng tiền khác để rót vốn vào các tài sản định giá bằng USD và cả bản thân đồng USD. Nhờ đó, tỷ giá đồng bạc xanh tăng mạnh thời gian gần đây.
Đặt cược vào sự thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của Fed đến từ áp lực lạm phát cao và dai dẳng. Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã đẩy giá hàng hoá cơ bản leo thang, trong khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc dẫn tới những cuộc phong toả, đe doạ làm gia tăng sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong lúc trung tâm tài chính Thượng Hải vẫn phong toả, một số khu vực của thủ đô Bắc Kinh cũng bắt đầu phải phong toả vì số ca nhiễm tăng mạnh, thổi bùng lên mối lo mới về triển vọng kinh tế thế giới.
Thị trường tương lai ở Phố Wall đang dự báo Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản (Fed fund rate) lên mức 2,77% vào cuối năm 2022. Vào đầu năm nay, kỳ vọng lãi suất Fed vào thời điểm cuối năm 2022 chỉ là 0,8%. Theo dự báo ở thời điểm hiện tại, Fed sẽ có 3 lần nâng lãi suất với mức tăng 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong 3 mấy tháng tới đây.
Đồng USD thường hưởng lợi khi lãi suất ở Mỹ tăng và nền kinh tế Mỹ vượt trội so với nền kinh tế của các quốc gia khác. Đồng tiền dự trữ của thế giới còn hưởng lợi mỗi khi kinh tế toàn cầu suy thoái hoặc vào những thời điểm rủi ro địa chính trị gia tăng, chẳng hạn chiến tranh Nga-Ukraine, bởi đó là những khi giới đầu tư tìm đến với các tài sản “vịnh tránh bão”.
Khuynh hướng tăng giá của đồng USD khi kinh tế toàn cầu suy yếu và đối mặt rủi ro, hoặc khi kinh tế Mỹ khoẻ hơn các nền kinh tế khác, được giới đầu tư gọi là “dollar smile” (tạm dịch: “nụ cười Đôla”).
Trao đổi với tờ Financial Times, Phó chủ tịch John Doyle của Tempus Inc. nói rằng nhu cầu của nhà đầu tư muốn tìm kiếm tài sản an toàn vẫn đang duy trì. Điều đó có nghĩa là cả “nụ cười Đôla” đang được hỗ trợ từ cả hai phía.
“’Nụ cười Đôla’ đang phát huy tác dụng đối với tất cả mọi dự định và mục đích. Nhà đầu tư đang đổ tiền vào USD, đẩy tỷ giá USD tăng lên cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Cùng với đó, nhà đầu tư cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu”, chiến lược gia trưởng Karl Schamotta của Corpay nhận định.
Sự tăng giá này của USD còn diễn ra trong lúc vị thế đồng tiền dự trữ của USD bị nghi ngờ khi phương Tây áp các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ lên Nga. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không còn lựa chọn thay thế nào khác cho USD, và sức mạnh của USD trên thị trường giúp làm giảm khả năng nhà đầu tư từ bỏ đồng tiền này vì các lý do chính trị.
“Xét cho cùng, đây thực sự là một thị trường mà nước Mỹ là trung tâm”, chiến lược gia cấp cao Mazen Issa thuộc TD Securities phát biểu, giải thích rằng thay đổi mạnh mẽ nhất trong chính sách tiền tệ nhằm phản ứng với lạm phát đến từ Fed.
“Khi nhìn ở phạm vi toàn cầu, ngân hàng trung ương có năng lực tốt nhất để dẫn đầu thay đổi này, và có lẽ để định nghĩa lại về việc chu kỳ thắt chặt là như thế nào, chính là Fed”, ông Issa nhấn mạnh.