14:15 09/08/2017

Nhiêu khê thủ tục ám ảnh doanh nghiệp bất động sản

Ái Vân

Để hoàn tất một hồ sơ pháp lý cho dự án ít nhất cũng phải mất 3 năm

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 16px;">Sở Xây dựng Tp.HCM đang triển khai thí điểm quy trình liên thông thủ tục.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 16px;">Sở Xây dựng Tp.HCM đang triển khai thí điểm quy trình liên thông thủ tục.</span>

Tháo gỡ quy trình thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án bất động sản là mục tiêu mà Tp.HCM đang cố gắng thực hiện. Đây là vấn đề được ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin tại buổi đối thoại trực tiếp giữa Sở Xây dựng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản tại Tp.HCM cuối tuần qua.


Vấn đề thủ tục luôn ám ảnh các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án nhà ở. Không ít lần, các doanh nghiệp thẳng thắn nói rằng, thủ tục quá nhiêu khê, doanh nghiệp  bị “hành” ở mọi cấp. Để hoàn tất một hồ sơ pháp lý cho dự án ít nhất cũng phải mất 3 năm thì cơ hội thị trường đã qua từ lâu. Vì thế không ít doanh nghiệp làm liều, bán hàng khi chưa có giấy phép xây dựng. Nếu pháp luật tạo thuận lợi và có chế tài mạnh tay xử lý thì không lý gì doanh nghiệp phải chọn đường đi tắc, bởi rất rủi ro về tài chính và uy tín. 


Tiến tới một cửa thủ tục 


Theo ông Trần Trọng Tuấn, Sở Xây dựng đang triển khai thí điểm quy trình liên thông thủ tục. Nếu nhà đầu tư hoàn tất nhiều thủ tục thì Sở tiếp nhận luôn. Nếu nhà đầu tư muốn thực hiện riêng lẻ từng thủ tục thì Sở vẫn nhận hồ sơ và thực hiện. 


Hiện quy trình đang làm thí điểm “3 trong 1” với các thủ tục: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng. Giai đoạn thí điểm sẽ thực hiện từ nay đến cuối năm, đúc kết lại nhằm rút ngắn thời gian thủ tục cấp phép xây dựng với tham vọng giảm từ 120 ngày xuống 42 ngày. 


Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Cty Lê Thành đánh giá cao sự tiện lợi mà quy trình cấp phép hồ sơ theo thí điểm của Sở Xây dựng. Lê Thành là doanh nghiệp được thí điểm giải quyết thủ tục ở một cửa. Việc tiếp nhận và trả hồ sơ ở một cửa tháo gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp. Sở Xây dựng làm hết mọi thủ tục. 


Nếu trong 12 ngày như quy định, các cấp không có văn bản trả lời công văn hỏi ý kiến của Sở, tức là Sở Xây dựng sẽ ra quyết định cấp phép. Không còn cảnh, Sở trả hồ sơ ngược và doanh nghiệp ôm đến từng cơ quan, ban ngành để xin ý kiến như cách làm lâu nay, có nơi mất 6 tháng vẫn không có kết quả. 


Theo ông Tuấn, việc các cơ quan thiếu sự liên thông thì Tp.HCM đang cố gắng khắc phục. Theo ý kiến của một doanh nghiệp, Tp.HCM nên kiến nghị Chính phủ cho phép thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu. Theo quy trình hiện nay rất nhiêu khê, doanh nghiệp cần nghiệm thu giai đoạn nào lại phải tổ chức mời đoàn kiểm tra từ Hà Nội vào, rất tốn kém. 


Về vấn đề này, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, Hiệp hội đã kiến nghị sửa đổi quy định về thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1 (trên 20 tầng) quy định tại Nghị định 59/CP về cơ quan quản lý dự án đầu tư xây dựng là Sở Xây dựng thực hiện. 


Theo quy định, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại điều 76 của Nghị định thực hiện tổ chức thẩm định. Công trình cấp 1 chủ yếu là đầu tư tại Tp.HCM và Hà Nội. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã giao cho các tỉnh quyết định thẩm định các dự án công trình cao đến 20 tầng và chiều cao không quá 75m. Với Tp.HCM và Hà Nội nên cho phép thực hiện để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.


Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, cho rằng, cần sửa đổi quy định về tiêu chuẩn thiết kế. Hiện nay quy định từ diện tích kỹ thuật ở tầng hầm, tầng áp mái đều tính tỷ lệ sử dụng đất. Nếu thành phố cho phép doanh nghiệp hoán đổi 3 tầng hầm đưa lên xây dựng thành 3 tầng bên trên thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm rất nhiều. Chi phí xây 1 tầng hầm bằng 3 tầng bên trên. Nền đất ở thành phố rất yếu sẽ tránh được sụt lún. 


Giải quyết các dự án kéo dài


Cũng tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Tp.HCM sớm tháo gỡ khó khăn với nhiều dự án quy mô lớn, đã khởi động hơn chục năm nhưng vẫn còn để đất trống. 


Đại diện Công ty địa ốc Thảo Điền phản ảnh, công ty bị đình trệ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong 9 năm qua vì thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư ở Uỷ ban Nhân dân thành phố. Dự án này là một phần thuộc dự án khu đô thị Bắc Rạch Chiếc, do Công ty Cổ phần địa ốc 10 (RES10) làm chủ đầu tư hạ tầng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2001. Nhưng đến nay, hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện.


Theo ông Lê Hoàng Châu, khu đô thị Bắc Rạch Chiếc đình trệ là bởi RES10 vẫn chưa thương lượng giải toả được các hộ dân tiếp giáp với xa lộ Hà Nội. Vì thế hạ tầng nội khu không thể kết nối vào hạ tầng chung của khu vực. 


Đại diện Cty Him Lam cho biết, đơn vị cũng là chủ đầu tư của một dự án thứ cấp trong Khu đô thị Bắc Rạch Chiếc. Sau khi RES10 hoàn thành hạ tầng nội khu và kết nối vào hạ tầng chung, bàn giao dự án lại cho thành phố, khi đó thành phố mới giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp. Song, do RES10 vẫn chưa hoàn thành hạ tầng, giao thông chưa kết nối theo quyết định giao đất của Thủ tướng nên dự án kéo dài. 


Nguyên do là phía chủ đầu tư hạ tầng chưa thực hiện hết trách nhiệm. Bản thân Him Lam đã bắt đầu làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và hạ tầng cho dự án ngay từ năm 2002 và nay vẫn phải chờ. 


Ông Châu đề xuất, Tp.HCM có thể nghiên cứu như đã áp dụng dự án khu dân cư Thạch Mỹ Lợi, Q.2 bằng việc thu hồi dự án và giao cho các công ty thành viên thực hiện. Hoặc thành phố cần có sự hỗ trợ trong việc giải phóng mặt bằng. 


Một trong điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản ở Tp.HCM là thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, dễ dẫn đến nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt. Vì thế, giải quyết quy trình thủ tục nhanh chóng là sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản hiện nay.