17:22 15/12/2021

Nhìn lại ngành du lịch toàn cầu sau hai năm đại dịch, triển vọng lạc quan trong 2022

Ngọc Trang

Dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, nhiều chuyên gia tỏ ra lạc quan về sự phục hồi của ngành du lịch trong năm tới...

Du khách tại Bangkok, Thái Lan - Ảnh: AP
Du khách tại Bangkok, Thái Lan - Ảnh: AP

Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch toàn cầu cuối cùng đã có dấu hiệu phục hồi, dù biến thể Omicron đang khiến nhiều quốc gia siết siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới.

Tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, nhu cầu bị dồn nén cũng như tiền tiết kiệm tích lũy đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu du lịch trong cả năm 2021, khi mà các biện pháp phong tỏa toàn quốc được gỡ bỏ và nhiều quốc gia nới lỏng hạn chế nhập cảnh.

Dưới đây là các biểu đồ cho thấy tình hình ngành du lịch toàn cầu sau 2 năm trải qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử.

SỰ PHỤC HỒI KHÔNG ĐỒNG ĐỀU

Theo một phân tích của hãng nghiên cứu và tin tức du lịch Skift, sự phục hồi của ngành du lịch diễn ra không đồng đều giữa các khu vực.

Sử dụng hơn 50 chỉ số, phân tích này đã đo lường sự phục hồi du lịch tại các khu vực khác nhau so với năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Các chỉ số này bao gồm tìm kiếm du lịch, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn, doanh thu mỗi đêm phòng và tình trạng hủy phòng.

Nhìn lại ngành du lịch toàn cầu sau hai năm đại dịch, triển vọng lạc quan trong 2022 - Ảnh 1

“Chúng tôi phát hiện ra rằng có mối tương quan rất chặt chẽ giữa số lượng ca nhiễm Covid-19 mới và sự phục hồi du lịch”, Wouter Geerts, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Skift, cho biết. “Khi số ca nhiễm tăng lên, các quốc gia có xu hướng đóng cửa biên giới, áp dụng phong tỏa trong nước, khi đó, hoạt động du lịch ghi nhận sự suy giảm lớn và gần như ngay lập tức”.

Theo ông, việc các quốc gia ở Bắc Mỹ như Mỹ, Mexico mở cửa thông thoáng hơn đã hỗ trợ lớn cho ngành du lịch của họ. Ngược lại, chiến lược “không Covid” (zero Covid) tại nhiều quốc gia châu Á đã gây áp lực lớn cho ngành du lịch, mãi cho tới gần đây mới có dấu hiệu giải tỏa. Trước đó, mỗi khi có ca nhiễm mới được phát hiện, nhiều quốc gia châu Á lập tức áp dụng phong tỏa và xét nghiệm trên diện rộng cùng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt khác, nhà phân tích của Skift cho biết.

Tuy nhiên, những tuần gần đây, nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada, Anh và Singapore, đã có động thái hạn chế nhập cảnh từ các quốc gia tại miền Nam châu Phi sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gắn nhãn cho Omicron – biến thể Covid-19 được phát hiện lần đầu ở Nam Phi – là “biến thể đáng lo ngại”. Theo WHO, biến thể này hiện đã lan ra 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và có thể đã có tại một số nơi khác mà chưa bị phát hiện.

THIỆT HẠI CỦA CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG

Theo một báo cáo hồi tháng 10 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), năm 2021, các hãng hàng không sẽ nối tiếp xu hướng lỗ ròng kéo dài từ năm ngoái nhưng mức lỗ có thể giảm.

IATA dự báo chỉ số khách luân chuyển (RPK) toàn cầu sẽ tăng trong năm nay, nhưng vẫn chỉ tương đương khoảng 40% mức trước đại dịch. RPK là một chỉ số đo lường lượng khách vận chuyển của ngành hàng không, được tính bằng cách lấy tổng số lượng khách vận chuyển có doanh thu trên các chặng bay nhân với chiều dài những chặng bay đó.

Nhìn lại ngành du lịch toàn cầu sau hai năm đại dịch, triển vọng lạc quan trong 2022 - Ảnh 2

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ dự báo RPK toàn cầu trong năm 2021 và 2022 do lưu lượng đi lại hàng không quốc tế phục hồi chậm hơn dự kiến và các chuyến đi công tác bị hạn chế. Tổ chức này cũng cảnh báo các hãng hàng không vẫn đối mặt tương lai bất định do sự xuất hiện của biến thể Omicron.

“Dù vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của Omicron, các làn sóng lây nhiễm mới và những phản ứng chính sách có thể dẫn tới các hạn chế đi lại và làm đình trệ hoặc tạm thời giảm hoạt động đi lại”, Fitch cho biết trong một báo cáo công bố vào tháng tháng 11.

Trở lại với báo cáo của IATA, cơ quan này dự báo Bắc Mỹ sẽ là khu vực duy nhất mà các hãng hàng không ghi nhận lợi nhuận trong năm 2022.

ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN PHỤC HỒI CHẬM

Cũng như các hãng hàng không, số lượng đơn đặt phòng của ngành khách sạn chậm phục hồi trong năm 2021. Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), sự phục hồi tại các khu vực khác nhau cũng có sự phân hóa lớn.

Cụ thể, châu Âu ghi nhận sự phục hồi chậm nhất với số lượng đơn đặt phòng khách sạn từ tháng 1-10/2021 vẫn ở mức thấp hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, Trung Đông phục hồi mạnh mẽ nhất với lượng đơn đặt phòng trong giai đoạn này chỉ thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn lại ngành du lịch toàn cầu sau hai năm đại dịch, triển vọng lạc quan trong 2022 - Ảnh 3

Theo ông Mike Tansey, giám đốc phụ trách mảng du lịch của hãng tư vấn Accenture, tỷ lệ tiêm vaccine cao cùng với mùa cao điểm du lịch từ châu Âu là động lực chính cho sự phục hồi du lịch của Trung Đông. Châu Âu là nguồn khách quốc tế chủ tạo của khu vực này.

“Các nước Trung Đông gần như dẫn dầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhờ đó khu vực này được hưởng lợi nhanh nhất từ xu hướng phục hồi du lịch”, ông Tansey nhận định với CNBC.

TRIỂN VỌNG NGÀNH DU LỊCH NĂM 2022

Dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, nhiều chuyên gia du lịch tỏ ra lạc quan về sự phục hồi của ngành này.

“Các chính phủ đang có những động thái rất đáng khích lệ để hồi sinh du lịch. Triển vọng năm 2022 sẽ lạc quan hơn rất nhiều”, Choo Pin Ang, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của nền tảng du dịch trực tuyến Expedia, nhận định và dẫn ví dụ về Thái Lan, Malaysia – nơi nhiều chính sách được đưa ra để hỗ trợ phục hồi du lịch.

Du khách đi qua một điểm du lịch nổi tiếng tại Milan, Italy giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh: AFP
Du khách đi qua một điểm du lịch nổi tiếng tại Milan, Italy giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh: AFP

Hồi tháng 8, một khảo sát trên trang du lịch Booking.com đã hỏi hơn 24.000 người trưởng thành về ý định và ưu tiên du lịch của họ trong năm 2022.

Theo ông Nuno Guerreiro, giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Booking.com, so với cuộc khảo sát tương tự của năm ngoái, sự khác biệt lớn nhất trong kết quả khảo sát năm nay có liên quan tới làm việc từ xa.

Hầu hết người được hỏi – khoảng 59% - cho biết họ sẽ lựa chọn các kỳ nghỉ ngắn ngày hơn nếu như họ có thể nghỉ làm hoàn toàn để đi nghỉ, thay vì vẫn phải làm từ xa trong kỳ nghỉ của mình.

Trong khi đó, 61% cho biết sẽ đi du lịch, bất kể hình thức nào, miễn là ngân sách cho phép. Ngoài ra, 79% nói rằng du lịch sẽ trở thành một hình thức chăm sóc bản thân thiết yếu đối với họ.

“Ngành du lịch vẫn chịu áp lực đáng kể khi các quốc gia phải vật lộn với các đợt bùng phát dịch hiện tại. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là du lịch vẫn là một trong những hoạt động cơ bản trong cuộc sống của con người”, ông nhận định.