Nợ, chậm văn bản pháp luật “nóng” nghị trường
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, sáng ngày 15/8/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp…
Dự phiên chất vấn có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Chủ trì và điều hành phiên chất vấn là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tham gia chủ trì phiên chất vấn còn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành trong cả nước.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC LẬP PHÁP
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là vấn đề rất cấp thiết, được cử tri, Nhân dân và các vị địa biểu Quốc hội rất quan tâm (có 34 Đoàn đại biểu quốc hội đề xuất chuyên đề này), gắn chặt với hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, góp phần hoàn thiện thể chế, đồng bộ hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Phiên chất vấn sẽ là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp tại Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa; đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”.
Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu quốc hội sẽ chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các nhóm vấn đề:
Thứ nhất: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thứ hai: Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ ba: Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
NỢ, CHẬM VĂN BẢN GÂY KHOẢNG TRỐNG PHÁP LUẬT
Tại phiên chất vấn, các đại biểu quốc hội cho rằng tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, tình trạng nợ và chậm văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm và chưa được khắc phục. Chính vấn đề nợ, chậm văn bản gây khoảng trống pháp luật cũng như gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp với trách nhiệm của mình, cho biết giải pháp trong chỉ đạo, điều hành để khắc phục được tình trạng trên.
Tham gia chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho cho rằng tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung giao trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ được khắc phục căn cơ. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2022 cho thấy có những nội dung đã được kiến nghị từ nhiều lần giám sát trước đây nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành, hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền, không đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn về nguyên nhân chính và các giải pháp dài hạn, các giải pháp căn cơ để thực hiện hiệu quả hơn nhằm khắc phục tình trạng chậm và nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết theo Báo cáo 255, tính đến ngày 30/7/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ còn nợ 17 văn bản. Bên cạnh đó, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến khó tổ chức thực hiện cũng đã được đề cập đến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với tình trạng nợ văn bản? Trách nhiệm của Bộ Tư pháp như thế nào trong vấn đề chậm ban hành của các bộ liên quan?
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nêu rõ, quyết tâm xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ là hạn chế việc lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ được cài cắm vào các văn bản pháp luật, bởi đó cũng là một dạng tham nhũng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về những chế tài cũng như giải pháp của Bộ Tư pháp để tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh đối với vấn đề này?.
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng hiện nay nhiều nội dung văn bản pháp luật chưa đồng bộ, mâu thuẫn lẫn nhau… Điều này đã được phản ánh rất nhiều. Đại biểu Nguyệt đề nghị Bộ trưởng làm rõ và nêu ra giải pháp để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới…
SẼ ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM BAN HÀNH VĂN BẢN
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc nợ, chậm ban hành là vấn đề đã từ lâu nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Nợ đọng văn bản của từng năm có sự trồi sụt nhất định. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng cũng có những nghị định nợ lâu và chưa được xử lý như nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể lao động trong Bộ luật Lao động, nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, về an ninh mạng,..
Làm rõ nguyên nhân của thực trạng này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng nhiều khi là do nội dung quy định chi tiết quá nhiều, như Luật Bảo vệ môi trường có đến 65 nội dung trong luật giao quy định chi tiết. Cũng có những luật, nghị quyết từ thời điểm thông qua, đến thời điểm có hiệu lực ngắn nên phải cấp tốc soạn thảo ban hành các nghị định, nhưng cũng không kịp như các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra còn có nguyên nhân do trình độ đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết Bộ Tư pháp cùng các cơ quan đều có nỗ lực cố gắng khắc phục. Trong thời gian tới, triển khai một số giải pháp mới. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Trong đó, Bộ Tư pháp trình một số giải pháp để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng văn bản, trong đó có nội dung về nghị định quy định chi tiết và bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong soạn thảo, ban hành văn bản và trách nhiệm tổ chức thi hành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết thêm, hiện nay các văn bản của Đảng như Quy định 69-QĐ/TW về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên là một công cụ rất mạnh. Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo để trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản.
“Với những quy định này sẽ đề cao trách nhiệm ban hành văn bản, chủ động ban hành một cách kỹ lưỡng để tránh những ảnh hưởng khác”, Bộ trưởng Lê Thành Long tin tưởng, đồng thời cho rằng về lâu về dài, cố gắng quy định vào trong luật như tinh thần được Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở nhất là những vấn đề về tài chính, ngân sách, phân bổ kinh phí…phải được quy định trong luật.
Liên quan đến rà soát văn bản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phản ánh hiện nay có quá nhiều văn bản rà soát. Theo thống kê, có đến 10 báo cáo rà soát khác nhau để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Sắp tới tại Kỳ họp thứ 6 sẽ phải trình Quốc hội báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến 22 lĩnh vực.
“Rà soát là phải có thời gian để làm. Khi rà soát đã phát hiện ra vấn đề thì phải có trao đổi, thảo luận xem những gì cần phải sửa đổi, bổ sung, những gì có thể xử lý được trong hệ thống pháp luật hiện hành”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các bộ ngành, các cơ quan, chủ thể tham mưu cần chủ động, trách nhiệm trong tự rà soát.
Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin thêm, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan tập trung cao độ để chuẩn bị cho báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới, trong đó có tập trung rà soát lại những vấn đề đã kiến nghị nhưng chưa được xử lý và phải đề xuất giải pháp xử lý có thứ tự ưu tiên.