19:56 14/08/2023

Chủ tịch Quốc hội: Đầu tư cho giáo dục cần được ưu tiên đi trước

Nhật Dương

Nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển cần được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bố trí đầy đủ ngân sách cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách…

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 14/8. Ảnh - Quochoi.vn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 14/8. Ảnh - Quochoi.vn.

Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 14/8 tiếp tục xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’, chiều 14/8.

XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC NHƯNG VẪN BẢO ĐẢM NHÀ NƯỚC GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ do đây là chuyên đề quan trọng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất thận trọng và kỹ lưỡng trong chỉ đạo xây dựng đề cương và kế hoạch chi tiết, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp, khảo sát thực tế. Ủy ban cũng đã họp để cho ý kiến lần đầu trước khi Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan của Chính phủ và tiến hành giám sát chính thức. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với việc đánh giá của Đoàn giám sát.

Về hạn chế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá kĩ hơn về chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai. Đồng thời, đánh giá chương trình và các nội dung trong các bộ sách giáo khoa đã đáp ứng được yêu cầu mục tiêu xuyên suốt của cải cách lần này là chuyển trọng tâm từ cung cấp và truyền thụ kiến thức sang trọng tâm là nâng cao năng lực và phẩm chất người học hay chưa?

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục xem xét chương trình này; nghiên cứu, đánh giá việc tích hợp các môn học ở bậc trung học cơ sở; đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, thi, kiểm tra…

Về vấn đề chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội nói đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cần đánh giá kỹ cách hiểu về Nghị quyết số 88/2014/QH13.

Theo đó, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Liên quan đến giá sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn một số vấn đề về yêu cầu quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa, thực hiện chính sách xã hội đối với học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Cùng với đó, cần lưu ý đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn chưa đáp ứng được yêu cầu…

ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC

Về giải pháp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cơ bản đồng tình với đề nghị của Đoàn giám sát, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong báo cáo giám sát.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cơ bản đồng tình với các kiến nghị, đề xuất để triển khai tiếp tục Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14. Trong đó, về nhận thức, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, cần quán triệt sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thực hiện tốt vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động sáng tạo của nhân dân và toàn xã hội.

Từ đó, khẩn trương hoàn thiện thể chế, nhất là những vấn đề báo cáo giám sát đã chỉ ra, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai chương trình mới…

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh quán triệt sâu sắc quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bố trí đầy đủ ngân sách cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án lớn đã được phê duyệt.

Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và xem xét hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương mà chưa cân đối được ngân sách.

Giải trình thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thời gian trước đã có chương trình mục tiêu về giáo dục, trong đó đề cập đến vấn đề hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị giáo dục.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện chủ trương của Quốc hội là lồng ghép vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới) nên đã bỏ chương trình mục tiêu về giáo dục ra.

Hiện trong các chương trình mục tiêu quốc gia đều có nội dung về hỗ trợ giáo dục ở các địa phương khó khăn, dân tộc thiểu số. Ngoài ra, hằng năm ngân sách Trung ương đang hỗ trợ khoảng 3.500 tỷ đồng cho vấn đề học phí và chi phí học tập, bao gồm cả hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng chính sách.

 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Nhà nước phải luôn đóng vai trò chủ đạo, có trách nhiệm từ khâu xây dựng chương trình, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88. 

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù lựa chọn phương án xã hội hóa để thu hút các chuyên gia, nhà giáo dục, các thầy cô giáo tham gia xây dựng các bộ sách giáo khoa, tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm kiểm soát chất lượng bộ sách giáo khoa này.

Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ nghiêm túc đánh giá toàn diện hơn, đánh giá đầy đủ hơn về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.