11:04 14/08/2023

Khai mạc Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vy Vy

Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phiên họp có nội dung lớn nhất từ đầu năm đến nay với 21 nội dung, tập trung vào công tác giám sát, lập pháp và một số vấn đề quan trọng khác…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 14/8.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 14/8.

Phát biểu khai mạc phiên họp sáng 14/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết với khối lượng công việc lớn, thời gian phiên họp sẽ kéo dài 7 ngày và được bố trí linh hoạt thành 2 đợt (đợt 1 từ 14/8 đến 18/8, đợt 2 từ 24/8 đến 25/8).

Theo Chương trình, kế hoạch giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về Đổi mới Chương trình, Sách Giáo khoa Giáo dục Phổ thông” đồng thời, tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đặc biệt, lần đầu tiên, phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, góp phần phát huy tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Thực hiện quy định của pháp luật, trên cơ sở đề xuất của 53 Đoàn đại biểu Quốc hội với 132 nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định dành 1 ngày (15/8) để tổ chức chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề.

Nhóm thứ nhất thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào các vấn đề về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Nhóm thứ hai thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021-2025, Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030.”

Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là một trong hai chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2023. Quá trình triển khai chuyên đề giám sát này tiếp tục ghi nhận 2 điểm đổi mới nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Một là, sự đổi mới về tư duy, cách tiếp cận trong lựa chọn nội dung giám sát: Tiến hành giám sát chuyên đề ngay trong giai đoạn đầu triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra những kết quả đạt được và những vấn đề còn vướng mắc để sớm cùng với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ, góp phần bảo đảm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách quan trọng đã được Quốc hội quyết định.

Hai là, sự phối kết hợp giữa các hình thức, các hoạt động giám sát khác nhau để bảo đảm hiệu quả chung. Sự kết hợp và cộng hưởng của các hoạt động giám sát đã giúp các cơ quan nhìn nhận, đánh giá kỹ vấn đề giám sát từ nhiều góc độ, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch và đề cương báo cáo của 3 Đoàn giám sát chuyên đề trong năm 2024.

Trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 8/9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5; cho ý kiến lần đầu đối với 2/8 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khối lượng công tác lập pháp tại phiên họp này rất lớn, trong đó có nhiều dự án luật phức tạp, quan trọng, được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm.

Điển hình là nhóm 3 dự án luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là các dự án luật có tác động lớn về kinh tế-xã hội, quan hệ chặt chẽ với nhau và cũng liên quan trực tiếp với các nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá Tài sản, cần phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất cao để khơi thông các nguồn lực phát triển, thể chế hóa đúng đắn, đầy đủ các nghị quyết của Đảng; đồng thời, cần hết sức lưu ý để tránh tạo nên những vướng mắc mới về thể chế, tránh sơ hở có thể dẫn tới tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ lập pháp rất quan trọng của toàn khóa, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Bên cạnh đó, dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) cũng đặt ra nhiều vấn đề “nóng”, có ảnh hưởng lớn về an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến như thời gian đóng bảo hiểm xã hội, rút bảo hiểm xã hội một lần, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc…