16:51 12/07/2023

Chủ tịch Quốc hội: Phiên họp 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và thông qua nhiều nội dung quan trọng

Quang Trung

Ngày 12/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiên họp dự kiến kéo dài 2,5 ngày, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm chắc chắn, thận trọng, kỹ lưỡng...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự kiến trong 2,5 ngày phiên họp thường kỳ tháng 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp thứ 24 sẽ xem xét cho ý kiến về các nội dung quan trọng.

THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, XÃ GIAI ĐOẠN 2023-2030

Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật. Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

"Đây là 2 dự án luật đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Theo tiến độ, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 và xem xét quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Hai dự án Luật này đã được chuẩn bị khá lâu và cho đến nay, theo đề xuất của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sớm để các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là các cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm thời gian để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để có chất lượng tốt nhất -  Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét về biểu quyết thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

"Trong giai đoạn trước, 2019-2021, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã được triển khai tốt theo tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giám sát chuyên đề về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Trên cơ sở Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tục sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung của dự thảo Nghị quyết này. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến sơ bộ về nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, việc sớm ban hành nghị quyết này sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, các bộ và các địa phương tổ chức triển khai. Thực tế qua tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri rất mong muốn sớm triển khai vấn đề này. Chính phủ và các cơ quan tổ chức hữu quan, các địa phương đã chuẩn bị một bước để phục vụ kịp thời cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ xem xét để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 37-NQ/TW, Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị là một nội dung rất quan trọng trong tổng thể thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của quản lý nhà nước, bối cảnh ở đây là Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

"Đây là nội dung rất quan trọng, mang tính cấp bách", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

CHO Ý KIẾN VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG

Thứ ba, về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”.

"Đây là vấn đề rất quan trọng được Nhân dân, cử tri và dư luận rất quan tâm. Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc rất công phu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. "Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến 2 lần rồi".

Do đó, để đảm bảo tính thận trọng cũng như chất lượng cao nhất, lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức toàn thể lần đầu, cho ý kiến sơ bộ để Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, đồng thời sẽ chính thức làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chính thức vào phiên họp thường kỳ của tháng 8. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là cách làm chắc chắn, kỹ lưỡng và thận trọng.

Toàn cảnh phiên khai mạc sáng 12/7 - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên khai mạc sáng 12/7 - Ảnh: Quochoi.vn

Cũng như các phiên họp thường kỳ khác, trong phiên họp thường kỳ tháng 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có những tìm tòi, đổi mới.

Nếu như trước đây, công tác dân nguyện chỉ được xem xét 1 năm 2 lần tại các kỳ họp của Quốc hội bằng hình thức gửi báo cáo. Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một đổi mới quan trọng là xem xét báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng để cùng với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân để giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị cử tri, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, cử tri đánh giá rất cao việc Quốc hội đã bố trí thời gian để thảo luận tại hội trường và phát thanh truyền hình trực tiếp phiên họp rất quan trọng này. Tiếp nối kết quả đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét về kết quả công tác dân nguyện của tháng.

Một nội dung quan trọng khác mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm là về Báo cáo tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

"Đây là một trong những nội dung nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Chương trình hành động toàn khóa của Đảng đoàn Quốc hội. Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN đã được ban hành và triển khai thi hành 10 năm. 10 năm qua tình hình đã có nhiều thay đổi, phương thức hoạt động của Quốc hội tiếp tục có những thay đổi như họp trực tuyến kết hợp với trực tiếp trước đây không có hay việc vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri cũng có nhiều thay đổi", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo ông, trong quá trình 10 năm qua cũng thu được rất nhiều kết quả. Có nhiều nội dung, luật pháp cũng đã có thay đổi phải điều chỉnh cho phù hợp và thực tiễn yêu cầu chất lượng hoạt động của Quốc hội ngày càng phải được nâng lên. Do đó việc tổng kết Nghị quyết 525 là rất cần thiết, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội cho biết tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe cho ý kiến về kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 525, trên cơ sở đó sẽ ban hành kết luận để cho chủ trương định hướng về việc có sửa đổi hay không và sửa đổi thì theo hướng nào, phân công cơ quan chủ trì thẩm tra, công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xem xét xây dựng để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết quan trọng này. 

SỚM XÁC ĐỊNH DANH MỤC CÁC NỘI DUNG QUỐC HỘI PHẢI XEM XÉT QUYẾT ĐỊNH TẠI KỲ HỌP THỨ 6

Ngoài ra, cũng tại phiên họp thường kỳ tháng 7 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về chương trình, nội dung, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, nhất là ý kiến của Nhân dân và cử tri, Tổng Thư ký Quốc hội đã xây dựng báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt tích cực, những kết quả quan trọng và những tìm tòi, tiếp tục đổi mới sáng tạo, đồng thời chỉ rõ những nội dung cần phải cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động nghiên cứu, đề xuất cho ý kiến đối với những nội dung lớn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, bên cạnh những nội dung đã rõ, còn nhiệm vụ đang giao các cơ quan nghiên cứu.

"Các cơ quan cùng nhau phối hợp tổ chức để xác định sớm nội dung, để sau phiên họp này xác định được danh mục những dự án luật, dự thảo, nghị quyết, những công việc Quốc hội phải xem xét quyết định tại kỳ họp để cho các bộ, các ngành chủ động triển khai, chuẩn bị, khắc phục được việc chậm gửi tài liệu, hồ sơ kỳ họp cho đại biểu Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu rõ, thời gian của phiên họp không nhiều, nội dung khá phong phú, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tài liệu, phát huy kết quả những phiên họp trước, cố gắng phát biểu sâu và liên tục, cho ý kiến để phiên họp đạt kết quả tốt nhất.