Nợ vượt trần, Chính phủ được đề nghị rút kinh nghiệm
Uỷ ban thẩm tra của Quốc hội cho rằng về cơ bản cần duy trì ngưỡng an toàn nơ công như giai đoạn 2011 - 2015
Chính phủ đề xuất nới, nhưng uỷ ban thẩm tra của Quốc hội cho rằng về cơ bản cần duy trì ngưỡng an toàn nơ công như giai đoạn 2011-2015.
Sáng 17/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Thực tế đã vượt trần
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%.
Quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ giai đoạn 2016-2020 cần lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia là mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2016-2020.
Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì về cơ bản, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015
Nợ công so với GDP là 65%, nợ Chính phủ so với GDP là 50%, nợ nước ngoài của quốc gia là 50% và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay.
Đối với chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP, có thể cân nhắc quy định ngưỡng tối đa là 53% song đến năm 2020 đề nghị đưa về mức giới hạn 50%.
Cơ quan giúp Quốc hội "gác cửa" ngân sách cũng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành khi để tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP giai đoạn 2011-2015 vượt mức trần đã được Quốc hội quyết định (50,3% so với mức cho phép là 50%).
Chính phủ còn được đề nghị kịp thời áp dụng các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép, đưa tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách nhà nước xuống dưới mức 25% và bảo đảm trong giai đoạn tới, số vay đảo nợ năm sau phải thấp hơn năm trước.
Một số ý kiến tại cơ qua thẩm tra thống nhất nâng trần chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP vì hiện nay, mức trần thực tế đã vượt ngưỡng trên 50% song đề nghị giải trình rõ căn cứ đề xuất nâng lên mức 55%, đánh giá sâu hơn về các tác động, hệ quả có thể xảy ra nếu nâng trần lên mức 55%, Chủ nhiệm Hải báo cáo
Thiếu cơ sở xác định hạn mức
Theo một số ý kiến từ cơ quan thẩm tra, báo cáo của Chính phủ chưa cung cấp số liệu liên quan đến nhu cầu đầu tư, khả năng cân đối, bố trí vốn của ngân sách nhà nước..
Chính phủ cũng chưa làm rõ mức độ cấp thiết của các dự án sử dụng vốn vay, chưa thể hiện được mục tiêu lấy vốn ngân sách làm vốn mồi thu hút các nguồn lực đầu tư khác,... dẫn đến thiếu cơ sở để xác định cụ thể các chỉ số, hạn mức vay.
Ngoài ra, một trong những định hướng được đề ra trong báo cáo là cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ song số liệu về các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh giai đoạn 2016-2020 lại có xu hướng tăng là chưa thống nhất.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý Chính phủ một số vấn đề về nợ công.
Như, giai đoạn tới là giai đoạn hội nhập sâu vào các khu vực tự do thương mại FTA, thực hiện TPP, dự báo sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước. Do đó, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước nếu không được tính toán kỹ, thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các chỉ số an toàn về nợ công.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách còn lưu ý, việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay ODA cần được tính toán, cân nhắc thận trọng, tránh tình trạng vay vốn song trên thực tế không giải ngân được hoặc giải ngân chậm, làm gia tăng nợ công, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn vay.
Đồng thời, một số khoản vay ODA hiện đang bị ràng buộc bởi những điều kiện theo yêu cầu của nhà tài trợ, có thể làm gia tăng chi phí vay. Do đó, Chính phủ cần lưu ý, tính toán, cân nhắc thận trọng chi phí lãi vay và các điều kiện liên quan khi đề xuất đàm phán, ký kết các khoản vay này.