19:56 13/09/2016

Bảng biểu ngân sách phải rõ thông tin về nợ công

Nguyễn Lê

Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước sẽ có thay đổi

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Hệ thống bảng biểu phải phản ánh được tổng mức vay của ngân sách Nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách Nhà nước.

Đây là ý kiến từ cơ quan thẩm tra, về dự thảo nghị quyết quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm.

Nôị dung này được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 13/9. Theo quan điểm xây dựng, quy chế sẽ làm rõ hơn cơ chế phối hợp, tham gia giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình lập dự toán ngân sách, xây dựng phương án phân bổ ngân sách Trung ương, tổ chức điều hành dự toán ngân sách Nhà nước.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội có công văn đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung ngân hàng này vào danh mục của cơ quan Chính phủ được phân bổ dự toán chi ngân sách năm như đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Theo cơ quan thẩm tra, đề nghị này là hợp lý.

Về nội dung của dự thảo, một trong những điểm mới được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo là lập kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia. Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch này là xác định khung cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước và giới hạn nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia...

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi chưa thấy quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch đầu tư 5 năm tại dự thảo nghị quyết.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là định hướng và xem xét việc này phải vô cùng thận trọng. Bởi nếu thông qua khung và định hướng trên cơ sở dự toán không đúng thì vô cùng nguy hiểm, có thể 5 năm sau sẽ có cả đống dự án đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, càng như vậy thì càng phải kiểm soát, nên nghị quyết này vẫn cần phải quy định về căn cứ, thẩm quyền, nội dung báo cáo... liên quan đến kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm. Cần có quy chế chặt chẽ mới tránh được lãng phí, ông Hiển nói.

Thêm một lần đứng lên, Bộ trưởng Dũng lo lắng: nếu làm không thận trọng, thì sau 5 năm nhìn lại không biết có gánh nổi trách nhiệm hay không!

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói, kế hoạch đầu tư công trung hạn không thể tách rời kế hoạch tài chính 5 năm.

Dự thảo nghị quyết sẽ tiếp tục được hoàn thiện trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định vào phiên họp của tháng sau.