15:49 28/12/2009

Nông dân có thể được góp đất vào dự án

Từ Nguyên

Các hộ nông dân có thể tham góp vốn vào các dự án thông qua hình thức đóng góp đất thuộc quyền sử dụng của mình

Để được tham gia góp đất vào dự án, khu đất được góp vốn phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất của dự án.
Để được tham gia góp đất vào dự án, khu đất được góp vốn phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất của dự án.
Các hộ nông dân có thể tham góp vốn vào các dự án thông qua hình thức đóng góp đất thuộc quyền sử dụng của mình.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo về cơ chế thí điểm cho hộ nông dân góp đất vào dự án do Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ.

Theo đó, hộ nông dân ngoài việc nhận tiền bồi thường hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng còn có thể góp vốn bằng đất bị thu hồi vào dự án.

Tuy nhiên, để được tham gia góp đất vào dự án, khu đất được góp vốn phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất của dự án.

Theo dự thảo, hộ nông dân được lựa chọn góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp vào dự án sản xuất kinh doanh nông nghiệp hoặc dự án sản suất kinh doanh phi nông nghiệp.

Trường hợp góp vốn vào dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng diện tích đất nông nghiệp do mình đang quản lý sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật trước khi góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Riêng trường hợp hộ góp vốn vào dự án sản xuất nông nghiệp thì không phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Viện dẫn cho việc đưa ra dự thảo trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc cho phép nông dân góp đất vào dự án sẽ góp phần giải quyết khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp, khuyến khích nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đất thuộc quy hoạch dự án bị thu hồi.

Bên cạnh đó, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân bị mất đất, giải quyết công ăn việc làm cho người dân bị mất đất nông nghiệp, góp phần cải thiện an sinh xã hội tại địa phương.

Đồng thời, việc góp đất này cũng sẽ bổ sung thêm kênh huy động vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhận góp vốn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án, tránh trường hợp dự án bị đình trệ do không thoả thuận giải phóng mặt bằng với người mất đất hoặc tình trạng dự án treo do thiếu vốn.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc góp đất vào dự án cũng có thể gặp phải một số khó khăn nhất định, chẳng hạn như người dân còn băn khoăn trong góp vốn cổ phần vì: khi thu hồi đất được bồi thường, hỗ trợ… thì người dân được nhận ngay khoản tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc được giải quyết hỗ trợ tái định cư.

Trong khi đó, nếu góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thì phần thu lại phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, không đảm bảo được phần vốn góp của người dân khi doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc phá sản, giải thể.

Hơn nữa, trên thực tế, tình hình tài chính của người nông dân nhìn chung là có hạn nên khó có thể thực hiện nghĩa vụ tài chính khi dự án đầu tư được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp (nông dân đang sử dụng) sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt.

Chính điều này sẽ dẫn tới, nếu nông dân (đang sử dụng đất nông nghiệp) góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp thì giá trị vốn góp rất thấp và việc xử lý khoản thu chênh lệch tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước do chuyển mục đích sử dụng đất do nhà đầu tư nộp sẽ rất vướng khi thực hiện các quyền của các hộ nông dân theo Luật Đất đai năm 2003.

Một khó khăn nữa là do trình độ và năng lực của người nông dân về sản xuất kinh doanh nhìn chung vẫn hạn chế, do đó dễ bị thiệt thòi khi tham gia góp vốn cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp.

Riêng đối với người nông dân có diện tích đất bị thu hồi nhỏ thì việc góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất trên thực tế không phát huy được tác dụng vì vốn góp quá thấp.

Hơn nữa, đối với những dự án nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thường bao gồm nhiều khu đất của nhiều hộ nông dân khác nhau nên dễ dẫn đến phức tạp, khó khăn trong việc thoả thuận góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa chủ dự án và những nông dân có đất góp vốn.

Chính vì vậy, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các tỉnh, thành về cơ chế thí điểm cho phép nông dân được quyền góp vốn bằng đất bị thu hồi vào các dự án và đang triển khai thí điểm tại 2 tỉnh An Giang và Thanh Hoá.