11:07 24/03/2023

Nouriel Roubini cảnh báo Mỹ rơi vào khủng hoảng giống năm 2008 và suy thoái sâu

Đức Anh

Nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini tin rằng Mỹ có thể rơi vào “suy thoái nghiêm trọng” vào năm 2024 và một "cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất trong số tất cả các cuộc khủng hoảng nợ”...

Nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini - Ảnh: Getty Images
Nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini - Ảnh: Getty Images

Từng dự báo đúng về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và nhận được biệt danh là “Tiến sĩ tận thế” (Dr. Doom) ở Phố Wall, ông Roubini đã chia sẻ quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn với chương trình phát thanh Forward Thinking của Viện McKinsey Global mới đây.

Vị giáo sư Đại học New York cảnh báo nói về việc thế giới đang hình thành khối nợ khổng lồ trong những thập kỷ gần đây. Theo ông, thời gian qua, các những thực thể phá sản hay những “xác sống” - gồm cả các hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, chính phủ và quốc gia - đã có thể sống sót bất chấp khối nợ lớn nhờ lãi suất thấp.

“Ngay cả những tổ chức đã vỡ nợ và phá sản theo cách hiệu quả vẫn có thể tồn tại được. Và trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng ta đã giải cứu những tổ chức này”, ông nói. 

Tại Mỹ, trong khuôn khổ Đạo luật bình ổn kinh tế khẩn cấp, Washington có Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP) trị giá 700 tỷ USD, được thiết kế để mua lại tài sản xấu của các ngân hàng.

“Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, chúng ta đã một lần nữa giải cứu. Thời gian đầu của đại dịch, thậm chí có những chương trình hỗ trợ khổng lồ dành cho tất cả các loại hình tổ chức”, ông Roubini nói thêm

Giờ đây, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới vẫn phải tăng lãi suất để ghìm lạm phát, ông Roubini cho rằng một "cuộc suy thoái nghiêm trọng" có thể sẽ xảy ra trong năm sau.

Ngày 22/3, Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm bất chấp mối lo rằng động thái này có thể làm gia tăng cuộc khủng hoảng gần đây trong ngành ngân hàng nước này. Nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, ông Mark Zandi, cho rằng lần tăng lãi suất này của Fed là “không cần thiết”. còn ông Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, gọi hành động này là “ngu ngốc”.

Theo ông Roubini, Fed và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tăng lãi suất có thể khiến gây ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng, nhưng nếu hạ lãi suất thì lạm phát có thể tiếp tục tăng cao.

“Đã quá muộn để tìm một giải pháp ngăn chặn một cuộc ‘hạ cánh cứng’ của nền kinh tế cũng như ngăn chặn những mối đe dọa tài chính nghiêm trọng”, nhà kinh tế học nổi tiếng nhận xét đầu tuần này trên Bloomberg TV.

“Chúng ta đã tránh được cuộc khủng hoảng nợ vài lần rồi”, ông nói trong chương trình phát thanh Forward Thinking. “Chúng ta đã trì hoãn việc tìm giải pháp cho vấn đề. Chúng ta đã giải cứu và hỗ trợ rất nhiều người. Nhưng giờ đây, khi cuộc chơi kết thúc với lạm phát tăng lên và chúng ta phải tăng lãi suất, đó chính là lúc rủi ro ‘của cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất trong tất cả các cuộc khủng hoảng nợ' xảy ra”.

Khi được hỏi về các yếu tố cụ thể cần theo dõi để biết về “thời điểm mọi thứ sẽ đổ vỡ”, ông Roubini lưu ý một số điểm.

“Thứ nhất, thu nhập của các hộ gia đình đang giảm xuống. Với các hộ gia đình thì do tiền lương thực tế giảm xuống và nguy cơ thất nghiệp. Còn với các doanh nghiệp thì do lợi nhuận giảm khi doanh thu đi xuống. Vì vậy, tất cả đều đã đang chịu áp lực rồi”, ông nói.

Trong khi đó, do lãi suất tăng, giá của các loại tài sản giảm xuống bởi các công ty phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn và thanh khoản giảm. Kể cả tiền mặt cũng mang về lợi nhuận thực tế âm do lạm phát - vị giáo sư phân tích.

Do đó, nếu hộ gia đình hoặc doanh nghiệp vay sử dụng đòn bẩy nợ lớn, họ sẽ chịu cú sốc và áp lực trả nợ lớn. Với người tiêu dùng, đó là gánh nặng trả các khoản nợ thế chấp mua nhà, thẻ tín dụng, vay mua ô tô, còn với doanh nghiệp, đó là gánh nặng trả nợ ngân hàng.

Theo dữ liệu gần đây của Cox Automotive, tỷ lệ nợ quá hạn của các khoản vay mua ô tô ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 17 năm qua.

Ông Roubini ví mối đe dọa này giống như “Tam giác quỷ Bermuda”, bởi hộ gia đình, doanh nghiệp bị giáng đòn mạnh vào thu nhập, vào giá trị tài sản và chịu gánh nặng trả nợ.

“Nếu áp lực này lan rộng, chúng ta sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống do nợ hộ gia đình và doanh nghiệp, với các vụ vỡ nợ và nợ quá hạn. Điều này không còn xa nữa”, ông nói.