Phản ứng của VND như thế nào trước áp lực tăng giá của đồng USD?
Với việc đồng USD liên tục được củng cố sức mạnh, trong khi rủi ro lạm phát trong nước ngày càng lớn, tỷ giá USD/VND đã có những bước tăng đáng chú ý...
Cập nhật từ thị trường ngoại hối cho thấy, tỷ giá USD/VND đang có những bước tăng đáng chú ý. Tuần trước (11/4-15/4), giá USD liên ngân hàng tăng 35 VND và dừng ở mức 22.900 VND.
Hay như, kết phiên hôm qua (18/4), giá USD liên ngân hàng vọt lên 22.928 VND, tương đương tăng 28 VND chỉ trong một phiên giao dịch.
Ở các thị trường khác cũng có diễn biến tương tự. Cụ thể trong tuần trước, giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại và giá USD tự do lần lượt tăng 40 VND và 20 VND.
Theo giới chuyên môn, việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian gần đây tương đồng với xu hướng của các đồng tiền khác trong khu vực và nguyên nhân được hình thành bởi hai yếu tố.
Thứ nhất, đồng USD đang được củng cố sức mạnh. Hiện tại, nhiều thông tin kinh tế vĩ mô quan trọng của Mỹ đã được công bố. Đầu tiên, tâm điểm chú ý tập trung về lạm phát, với việc chỉ số CPI và CPI cơ bản tháng 3 lần lượt tăng 8,5% và 6,5% so với cùng kỳ, trong đó giá xăng tại Mỹ đã tăng 18,3% so với tháng trước và chiếm khoảng một nửa mức tăng chung của CPI. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 3 cũng tăng 11,2% so với cùng kỳ - mức cao nhất kể từ năm 2010 và chủ yếu do giá năng lượng tăng mạnh.
Về lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán lẻ tại Mỹ tiếp tục cho thấy sự cải thiện trong tháng 3, với tăng 1,1% so với tháng trước, và vượt nhẹ mức tăng 1,0% theo dự báo. Chỉ số niềm tin tiêu dùng do Đại học Michigan khảo sát đạt 65,7 điểm trong tháng 4 (trong tháng 3 đạt 59,4 điểm), trái ngược với dự báo giảm xuống còn 59,1 điểm.
Chính các yếu tố trên đã giúp đồng USD (thông qua chỉ số DXY) tăng mạnh và lần đầu tiên vượt mức 100 kể từ năm 2020.
Thứ hai, áp lực lạm phát đang dần hiện hữu trong thời gian còn lại của năm 2022 nhưng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác vẫn chưa có động thái đảo ngược mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn được Ngân hàng Nhà nước trì ít nhất là trong 3-6 tháng tới. Điều này đồng nghĩa VND sẽ bị giảm giá.
Tuy nhiên, về dài hạn, VND vẫn cho thấy nhiều yếu tố tích cực để duy trì tính ổn định như thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối liên tục được cải thiện.
Công ty Chứng khoán VnDirect dự báo, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ tăng lên 2,0% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt 1,1% GDP vào năm 2021. Còn dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm 2022 (tương đương với 4,0 tháng nhập khẩu) từ mức cuối năm 2021 là 105 tỷ USD.
VND có thể dao động trong biên độ hẹp so với USD. Tỷ giá USD/VND (liên ngân hàng) ổn định trong khoảng 22.600-23.050 VND/USD vào năm 2022.
Công ty Chứng khoán VnDirect
Còn Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2021, nhờ hoạt động xuất khẩu hồi phục và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2022 tăng cả về lượng và giá ở các mặt hàng chủ lực. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng tận dụng lực đẩy từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong các tháng tới để mang về nguồn ngoại tệ lớn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD đánh giá Việt Nam đứng thứ 9 thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối. Vì vậy, KBSV kỳ vọng kiều hối về Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 5-7% trong năm 2022.
Ngoài ra, KBSV cũng đánh giá dòng vốn FDI giải ngân được dự báo sẽ quay trở lại, khi niềm tin nhà đầu tư được cải thiện khi Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế.
“Nhìn chung, tỷ giá USD/VND có thể tăng nhẹ trong khoảng 0,5-1% trong năm 2022, mức tăng không lớn nhờ nguồn cung ngoại tệ duy trì ổn định”, nhóm nghiên cứu tại KBSV nhận định.