11:00 22/02/2024

Phanh phui “khoảng tối” vụ mua bán hóa đơn trị giá hơn 6.000 tỷ đồng

Đỗ Mến

Trong vụ án mua bán hóa đơn trị giá hơn 6.000 tỷ đồng, cơ quan điều tra làm rõ hành vi “tiếp tay” của cán bộ thuế và việc chi hối lộ để che giấu hành vi sai trái...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành cáo trạng truy tố với 12 bị can về các tội danh Mua bán trái phép hóa đơn, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Nhận hối lộ, Đưa hối lộ.

Trong đó nhóm bị can Trương Xuân Đước (SN 1971, ở Hải Phòng), Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1979, vợ Đước) bị truy tố về tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và Đưa hối lộ. Ông Đỗ Hữu Ca (SN 1958,  cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng ) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

THÀNH LẬP CÔNG TY “MA” ĐỂ MUA BÁN HÓA ĐƠN TRÁI PHÉP

Theo cáo trạng, từ năm 2005 đến khi bị bắt, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã thành lập 26 pháp nhân để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Trong đó, Đước đứng tên giám đốc của 10 công ty.

Tuy nhiên, trong thời gian 2010, 2018-2020, do cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều cá nhân, đơn vị liên quan đến hoạt động thuế và tiến hành thanh, kiểm tra nghiêm ngặt nên Đước và Ngọc Anh phải tạm dừng 7 pháp nhân.

Về hóa đơn đầu vào, Đước và Ngọc Anh khai nhận, căn cứ vào lượng tiền ghi trên hóa đơn bán ra, hàng tháng Đước mua hóa đơn của Bùi Huy Hợp (SN 1972, ở Hải Phòng) và các cá nhân, đơn vị khác để khai báo cáo thuế đầu vào.

Đến khi Hợp bị bắt, nhận thấy nhiều rủi ro, Đước và Ngọc Anh hạn chế mua hóa đơn của các cá nhân, đơn vị khác. Cả hai đã thành lập 11 công ty làm nguồn hóa đơn đầu vào, sử dụng để kê khai báo cáo thuế. Có công ty vừa được sử dụng làm nguồn hóa đơn đầu vào, vừa xuất hóa đơn bán ra cho khách.

Theo lời khai, Đước và Ngọc Anh liên hệ, giao dịch với khách hàng qua zalo và điện thoại. Phần lớn khách mua hóa đơn là trung gian, môi giới. Bản thân Đước và Ngọc Anh không rõ thông tin cá nhân, địa chỉ của khách do người mua che giấu thông tin. Khi cần lấy hóa đơn, họ liên hệ với Đước qua điện thoại hoặc gọi zalo cung cấp thông tin số lượng, tên hàng hóa dịch vụ, số tiền ghi trên hóa đơn và tên đơn vị, công ty cần lấy hóa đơn.

Theo yêu cầu của khách, Đước gửi hóa đơn, chứng từ qua xe khách, chuyển phát nhanh đến địa chỉ mà khách yêu cầu. Cũng có lúc, Đước và Ngọc Anh giao trực tiếp cho khách mua. Khách hàng thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, gửi qua đường xe khách hoặc chuyển khoản.

Đước, Ngọc Anh và những người liên quan giao dịch việc nộp, rút tiền tại ngân hàng để hợp thức hóa hồ sơ cho các hóa đơn bán ra trái phép.

Cơ quan tố tụng xác định, Đước và Ngọc Anh phải chịu trách nhiệm hình sự với 15.674 hóa đơn mua bán trái phép. Tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bán ra cho khách (chưa tính thuế VAT) là hơn 6.000 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Đước và Ngọc Anh khai nhận, giá bán hóa đơn không cố định, lên xuống tùy thời điểm nhưng luôn bán với giá cao hơn so với mua vào là 1% giá trị hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn. Do đó, trừ đi các chi phí, số tiền các bị can thu lời bất chính là hơn 41,2 tỷ đồng.

NHIỀU HÀNH VI “TIẾP TAY” SAI PHẠM

Cáo buộc thể hiện, khoảng tháng 8/2021, Đước biết Nguyễn Đình Đương (SN 1972) được bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Sẵn quen biết từ trước nên Đước nhờ Đương giúp đỡ trong lĩnh vực quản lý thuế đối với một số công ty Đước thành lập tại địa bàn huyện Cát Hải và Đương đồng ý.

Sau đó, Đước thành lập Công ty TNHH phát triển thương mại vận tải Phương Bắc để mua bán trái phép hóa đơn.

Ngay trong kỳ kê khai thuế đầu tiên, Công ty Phương Bắc đã kê khai giá trị hàng hóa dịch vụ bán ra cao bất thường là hơn 24,8 tỷ đồng.

Việc này vào “tầm ngắm” của Đỗ Thanh Hoài – Đội phó đội kiểm tra thuế Chi cục thuế huyện Cát Hải. Hoài báo cáo lại với Đương thì được Đương chỉ đạo phải tạo điều kiện cho công ty này.

Theo chỉ đạo của Đương, Hoài trao đổi, yêu cầu vợ chồng Đước, Ngọc Anh phải thực hiện 3 nội dung. Đó là kê khai thuế hàng tháng phát sinh giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra thấp xuống so với thực tế số hóa đơn trái phép đã xuất cho khách hàng từ 3-4 tỷ đồng/tháng để tránh bị nghi ngờ do huyện Cát Hải là địa bàn biển đảo, xa đất liền, việc kinh doanh khó khăn nên không thể kê khai cao.

Mặt khác, Đước và Ngọc Anh phải chi phí 50 triệu đồng khi thành lập doanh nghiệp mới. Hàng tháng chi phí tiền cho Đương và Hoài theo tỷ lệ 3 triệu/1 tỷ đồng giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn.

Sau đó, Đước và Ngọc Anh thành lập thêm 2 công ty khác để mua bán hóa đơn trái phép.

Cáo trạng thể hiện, từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, Đước và Ngọc Anh đã đưa cho Đương và Hoài 362 triệu đồng. Trong vụ án này, Đương và Hoài bị truy tố về tội Nhận hối lộ.

CHIẾM ĐOẠT 35 TỶ ĐỒNG TIỀN "CHẠY ÁN"

Đến tháng 10/2022, vợ chồng Đước biết tin Trương Văn Nam (là cháu của Đước) bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt, khám xét liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn, đồng thời cũng điều tra, xác minh về công ty của vợ chồng Đước quản lý, điều hành.

Do lo sợ bị xử lý liên quan, Đước đã bỏ trốn và chỉ đạo vợ đến gặp cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca (đã nghỉ hưu, là người có mối quan hệ thân thiết với Đước) để nhờ chạy tội.

Sau đó, Ngọc Anh đến nhà ông Đỗ Hữu Ca tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng thông báo về việc Trương Văn Nam bị bắt và Công an tỉnh Quảng Ninh đang thu thập hồ sơ liên quan đến Công ty Thái Bình Dương mà Đước và Ngọc Anh quản lý, điều hành hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Ngọc Anh nhờ ông Ca tìm hiểu, tác động “chạy án” cho Đước không bị công an Quảng Ninh xử lý hình sự, mọi chi phí sẽ chuẩn bị theo yêu cầu của ông Ca.

Qua trao đổi được biết doanh số bán ra của Công ty Thái Bình Dương là khoảng 200 tỷ đồng, mặc dù không làm việc gì để lo chạy tội cho Đước song ông Đỗ Hữu Ca vẫn bảo vợ chồng Ngọc Anh phải chuẩn bị số tiền là 10% doanh thu bán ra của Công ty Thái Bình Dương (tương đương 20 tỷ đồng) và một số tiền "tiêu cực phí" khác để lo chạy tội.

Từ cuối tháng 10/2022 đến khoảng tháng 12/2022, vợ chồng Đước đã 4 lần đến gặp và đưa tổng cộng 35 tỷ đồng cho ông Đỗ Hữu Ca.

Quá trình điều tra, ông Ca không thừa nhận việc nhận tiền để chạy tội cho Đước. Ông Ca khai số tiền này do Đước và Ngọc Anh chủ động mang đến để vào phòng khách và phòng ngủ nhà mình. Hiện ông Ca đã chủ động nộp lại số tiền này. 

 

Xem xét hành vi không kê khai nộp thuế thu nhập của ông Đỗ Hữu Ca

Theo cáo trạng, khi bắt giữ khẩn cấp ông Đỗ Hữu Ca, cơ quan công an đã khám xét chỗ ở của ông Ca, tạm giữ nhiều đồ vật, tài sản là tiền Việt Nam đồng và ngoại tệ, trang sức, vàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Về nguồn gốc tài sản, ông Ca khai số tài sản này có được thông qua việc tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác, do bố mẹ để lại, là quà lễ, tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án bất động sản của cá nhân ông Ca và vợ. Tuy nhiên, nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh bất động sản trên không được ông Ca và vợ kê khai thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế.

Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Ninh đã tách hành vi không kê khai nộp thuế thu nhập của ông Ca và vợ cùng toàn bộ đồ vật, tài sản tạm giữ khi khám xét khẩn cấp chỗ ở của ông Ca để kiểm tra, xác minh xem xét xử lý sau.