18:00 09/01/2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Tập trung cao cho Quy hoạch điện 8

Mạnh Đức

Tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Công thương.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Công thương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận những kết quả đạt được của ngành trong năm 2021, đồng thời cũng chỉ ra các khó khăn, hạn chế của ngành như: Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) còn chậm; cơ chế điều hành giá điện, đặc biệt giá FIT (giá ưu đãi) đối với các dự án năng lượng tái tạo, vấn đề điều độ hệ thống điện còn bất cập.

VƯỢT QUA THÁCH THỨC

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Công Thương là bộ đa ngành, quản lý nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối, bao gồm cả xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Công thương đã từng bước vượt qua thách thức và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hội nghị tổng kết ngành Công thương ngày 9/1/2022.
Hội nghị tổng kết ngành Công thương ngày 9/1/2022.

Với các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Phó Thủ tướng đề cập đến 2 ngành trọng điểm, là động lực chính của nền kinh tế bao gồm ngành điện và dầu khi.

Năm 2021, ngành điện đã thực hiện tốt việc cung ứng đủ điện bảo đảm an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đã hoàn thành đưa vào vận hành 7.317 MW điện, nâng tổng công suất của hệ thống điện quốc gia đạt 77.982 MW, tăng 11% so với cùng kỳ.

Đối với ngành dầu khí, trong năm qua, cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch từ 1 đến 3 tháng. Sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,87 triệu tấn, vượt kế hoạch 1,15 triệu tấn. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 618.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 26%; nộp ngân sách nhà nước đạt 112.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 61%; lợi nhuận trước thuế đạt 41.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 145%.

Riêng về sản xuất công nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quý 3/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp -3,5%, tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng cao (đạt 6,5%) trong quý 4/2021, đặc biệt là tháng 12/2021 đã tăng trưởng 8,7%, giúp cho kết quả cả năm tăng trưởng 4,82%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra các khó khăn, hạn chế của ngành như: Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm; cơ chế điều hành giá điện (đặc biệt giá FIT đối với các dự án năng lượng tái tạo), vấn đề điều độ hệ thống điện còn bất cập.

Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản, ảnh hưởng tới việc làm, đời sống của người lao động. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của một số tập đoàn, doanh nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức tiểu ngạch, rủi ro lớn cho người sản xuất. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả còn diễn biến phức tạp.

ĐẢM BẢO QUY HOẠCH ĐIỆN 8 ĐÚNG TIẾN ĐỘ VÀ CHẤT LƯỢNG

Thống nhất với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong năm 2022 của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt lưu ý Bộ Công Thương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.

Trước mắt, tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ, ngành công thương cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, sau nhiều lần rà soát lại quy hoạch, có nhiều vấn đề còn bất cập như phân bổ nguồn điện chưa hợp lý, dẫn tới vốn đầu tư cho hệ thống truyền tải điện rất lớn. Trên cơ sở rà soát lại, đã cắt giảm đi 13 tỷ USD đầu tư cho đường dây.

Vấn đề nữa là cơ cấu nguồn điện chưa phù hợp, cần tiếp tục rà soát, trên tinh thần tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, giảm điện than. Trong năng lượng tái tạo, sẽ phát triển điện mặt trời ở một tỷ lệ phù hợp hơn bởi nguồn điện này còn có mặt hạn chế. Nếu đưa vào hệ thống quá nhiều điện mặt trời thì phải giảm điện từ các nguồn khác, dẫn tới nguy cơ sụt công suất.

“Quy hoạch này năm nay phải tập trung làm, không để chậm quá nhưng phải làm chắc, kỹ càng, bảo đảm hiệu quả nhất, tránh tình trạng đầu tư không hợp lý về đường dây, cơ cấu nguồn điện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với vấn đề cung ứng điện, Phó Thủ tướng nêu rõ “Không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân”. Ngành điện lực và các đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, rà soát lại các phương án tính toán, quy định về điều độ hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả chung, tổng thể của toàn bộ nền kinh tế. Đẩy mạnh việc xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế chính sách về thị trường điện cạnh tranh, cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo để vừa bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26.

Tiếp tục tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí, tối ưu hóa quy trình công nghệ, tiết giảm chi phí, hạ giá thành; tăng thu ngân sách nhà nước.

TIẾP TỤC ĐỘT PHÁ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỂ KHƠI THÔNG MỌI NGUỒN LỰC

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng cho rằng, dự báo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có biến động khó lường. Vì vậy, ngành Công thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam -Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các bộ, ngành đại phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối,….nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số.

Cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, ngành Công thương cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật để có giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.