11:10 11/11/2021

Hoàn thiện lại Quy hoạch điện 8

Mạnh Đức

Tiếp tục rà soát quy hoạnh phát triển nguồn điện theo hướng bảo đảm cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng (Bắc, Trung, Nam), kết hợp sử dụng hợp lý, kinh tế lưới điện truyền tải liên kết hiện có và đang đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả chung cao nhất…

Quy hoạch điện 8 phải đảm bảo hiệu quả chung cao nhất.
Quy hoạch điện 8 phải đảm bảo hiệu quả chung cao nhất.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo 308/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8).

Trước đó, ngày 05/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc hoàn thiện Quy hoạch điện 8 để chuẩn bị cho các hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá cao Bộ Công Thương đã nỗ lực, cố gắng hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện 8, tuy nhiên Phó Thủ tướng cho rằng đây là một trong các quy hoạch có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cũng như các địa phương đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua còn có nhiều ý kiến tiếp tục góp ý thêm nhằm tiếp tục hoàn thiện với mục tiêu phát huy lợi thế vùng, miền, xu hướng công nghệ mới và yêu cầu bảo vệ môi trường để phát triển bền vững ngành điện, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia theo đúng định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện 8, đồng thời khẩn trương chuẩn bị tài liệu phục vụ các hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương về Quy hoạch điện 8.

Về nội dung Quy hoạch điện 8, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát quy hoạnh phát triển nguồn điện theo hướng bảo đảm cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng (Bắc, Trung, Nam), kết hợp sử dụng hợp lý, kinh tế lưới điện truyền tải liên kết hiện có và đang đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả chung cao nhất.

Đồng thời đánh giá kỹ thêm về mức độ dự phòng nguồn điện tối ưu và hợp lý của hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện từng miền, có tính đến phương án điều hành bảo đảm cung ứng điện khi tỷ lệ thực hiện nguồn điện không đạt 100% so với quy hoạch và phương án cân đối dự phòng công suất nguồn điện không tính đến nguồn điện mặt trời.

Rà soát kỹ về quy hoạch một số nguồn điện có tính khả thi không cao hiện chưa giao chủ đầu tư hoặc đã có chủ đầu tư nhưng có đề nghị không tiếp tục triển khai, nhất là các dự án nhiệt điện than; đề xuất các phương án xử lý phù hợp trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26).

Bổ sung làm rõ về các tiêu chí xác định các dự án trọng điểm, ưu tiên trong Quy hoạch điện 8.

Về chuẩn bị tổ chức các hội nghị, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước, các địa phương về dự thảo Quy hoạch điện 8 để lắng nghe nhiều chiều về quy hoạch nguồn và lưới điện, sử dụng điện, vấn đề giá điện…; đề xuất thành phần, chuẩn bị nội dung và chương trình các hội nghị để trao đổi công khai, minh bạch và dân chủ tại hội nghị, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trước ngày 10/11/2021.

Trước đó, ngày 08/10/2021, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và có Tờ trình số 6277/TTr-BCT về phê duyệt Đề án Quy hoạch điện 8 trình lên Chính phủ. Trong đó,

ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện. Đồng thời đưa ra kế hoạch dừng xem xét quy hoạch một số dự án nhiệt điện than được phê duyệt, nhưng không được địa phương ủng hộ hoặc không đủ điều kiện phát triển.

Theo kế hoạch phát triển nguồn điện, năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 102.590-105.265 MW; năm 2030 khoảng 130.371-143.839 MW và đến năm 2045 khoảng 261.951-329.610 MW.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32-115,96 tỷ USD; giai đoạn 2031 – 2045 ước tính khoảng 180,1 - 227,38 tỷ USD.