Phòng vệ thương mại: “Tấm lá chắn” cho các ngành sản xuất trong nước
Trước bối cảnh gia tăng nhanh chóng của hàng hóa nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất trong nước tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước...
Nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, ngày 9/5, tại Đà Nẵng, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo về sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong tình hình mới.
Sự kiện có sự tham gia của gần 100 đại biểu đại diện các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở Công Thương Đà Nẵng; các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo cho biết kinh tế toàn cầu trong giai đoạn gần đây có một số chuyển biến theo hướng phức tạp và khó lường. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu…
Bên cạnh đó, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị, tình hình dịch bệnh phức tạp, lạm phát tăng cao… khiến cho các đối tác lo ngại về những tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Những tác động nêu trên đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới và chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của các nước, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo đề dẫn cho rằng trong bối cảnh nêu trên, với mục tiêu chung đảm bảo an ninh kinh tế và an sinh xã hội, lĩnh vực phòng vệ thương mại đóng vai trò quan trọng để vừa bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước, vừa tạo điều kiện để các ngành xuất khẩu đảm bảo thị phần trên trường quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ thời gian qua, công tác phòng vệ thương mại được quan tâm chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến để đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cộng động doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa, vai trò của công tác phòng vệ thương mại trong việc bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Ông Hạnh cho rằng trước bối cảnh gia tăng nhanh chóng hàng hóa nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất trong nước tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.
Mặt khác, khi năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp ngày càng nâng cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài… thì các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng, nhất là Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực, giúp các ngành hàng xuất khẩu thuận lợi hơn.
Cùng với đó, công tác cảnh báo sớm đã giúp doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.
Tuy nhiên, theo ông Hạnh, các nghiệp vụ có tính kỹ thuật cao liên quan đến công tác phòng vệ thương mại trong thời gian qua chủ yếu vẫn do Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thực hiện, các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm đối với công tác này. Vì vậy, Hội thảo lần này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và địa phương.
Nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ông Đặng Xuân Tâm, Chánh Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại và các chuyên viên của Bộ Công Thương đã trình bày các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam; Hướng dẫn xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng công nghiệp và nguyên phụ liệu nhập khẩu vào Việt Nam; Hướng dẫn xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng cụ thể như: thủy sản, dệt may, cao su, đồ gỗ - thủ công mỹ nghệ, sắt thép, vật liệu xây dựng, mặt hàng khác... xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã trao đổi hỏi-đáp những vấn đề liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại trong tình hình mới, thực tiễn điều tra, áp dụng của Việt Nam và một số nước trên thế giới.