Quan điểm xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị
Việc ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm mục đích thể chế hóa quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững đô thị Việt Nam và điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Do đó, trong dự thảo Tờ trình, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị được đề xuất trên cơ sở 5 quan điểm…
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định pháp luật…
CÁC ĐÔ THỊ CÒN THIẾU TÍNH LIÊN KẾT
Tại dự thảo Tờ trình, Bộ Xây dựng cho biết hệ thống đô thị cả nước đang tăng nhanh về số lượng, hình thành nên các vùng đô thị hóa cùng với những chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền. Mặt khác, chất lượng sống tại đô thị cũng từng bước được nâng cao; hệ thống đô thị dần chuyển đổi từ phát triển dàn trải sang phát triển có trọng tâm, trọng điểm; việc phân cấp, phân nhiệm trong quản lý phát triển đô thị được thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, thực trạng phát triển đô thị Việt Nam vẫn tồn tại 5 nhóm hạn chế lớn gây tác động đến sự phát triển bền vững.
Đó là sự phân bố đô thị trong hệ thống đô thị Việt Nam còn thiếu tính liên kết, chưa phân cấp rõ nét, chưa phát huy được kết nối vùng trong hệ thống đô thị, việc áp dụng mô hình phát triển mới, bền vững còn thiếu chiều sâu. Yếu tố vùng miền, đặc thù, đặc trưng của các đô thị chưa phát huy, tạo nên lợi thế so sánh cho các đô thị.
Ngoài ra, việc tổ chức xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch yếu, không gắn với nguồn lực. Phát triển phình rộng đô thị còn phổ biến. Các khu vực dân cư cũ trong đô thị chậm được cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển, nhất là khu vực có hạ tầng chưa đạt tiêu chuẩn, khu nhà ở lụp xụp, khu dân cư nghèo đô thị, khu vực không phù hợp chức năng đô thị. Chưa phát huy được nguồn lực, sự tham gia của cộng đồng và cư dân đô thị.
Đặc biệt, hạ tầng các trung tâm đô thị lớn bị quá tải, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn; tính liên kết yếu. Tại đô thị lớn, một số chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị chưa đạt yêu cầu làm giảm chất lượng đô thị. Chưa chú trọng quản lý, phát triển không gian công cộng, không gian trên cao và cảnh quan đô thị. Không gian công cộng đô thị chưa góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân và đóng góp tăng sức hút của đô thị.
Đồng thời, khai thác không gian ngầm rất hạn chế, chưa phát huy và khai thác có hiệu quả việc sử dụng không gian ngầm; mới chỉ được chú ý phát triển trong những năm gần đây, mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng, chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị, chưa được quản lý và khai thác hiệu quả, có hệ thống trong đô thị.
Không những thế, năng lực quản lý và quản trị đô thị chậm được đổi mới, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý. Chưa đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương gắn với nâng cao năng lực, trình độ quản lý và phát huy sự tham gia, thực hiện của cộng đồng dân cư trong quản lý phát triển đô thị…
Theo Bộ Xây dựng, những tồn tại, hạn chế của thực trạng phát triển đô thị một phần là do tác động của yếu tố khách quan như: sự biến động suy thoái kinh tế thế giới, sự diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, thiên tai, đại dịch trong thời gian vừa qua. Song, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trong đó có các nguyên nhân xuất phát từ hệ thống quy định quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý phát triển đô thị.
ĐIỀU CHỈNH NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT SINH TỪ THỰC TIỄN
Bộ Xây dựng cho biết mục đích việc ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm về phát triển bền vững đô thị Việt Nam được xác định tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo khác của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, để điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ thực tiễn quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo, góp phần phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam và từng đô thị trong hệ thống.
Theo đó, quan điểm xây dựng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị là: Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và hiệu lực của hệ thống pháp luật. Kế thừa, phát huy và luật hóa các quy định đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả trong thực tiễn. Tham khảo có chọn lọc quy định pháp luật của một số quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.
Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; đô thị hình thành, xây dựng mới, vận hành, phát triển, cải tạo chỉnh trang, tái thiết có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước; bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên đất đai.
Tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; hình thành và phát triển đô thị đáng sống đối với cư dân và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có vai trò, vị thế động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội.
Đề cao vai trò trách nhiệm chính quyền các đô thị, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý đô thị, thực hiện phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.