Quản lý sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật theo vòng đời, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững
Hàng chục chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới đã hội tụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện cam kết quản lý sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật theo vòng đời, từ sản xuất, kinh doanh đến xử lý môi trường sau khi sử dụng. Trong đó, có việc thúc đẩy quản lý hợp lý và có trách nhiệm đối với rác thải bao bì ở tất cả các thị trường, đồng ruộng…
Ngày 4/9/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) phối hợp cùng nhiều tổ chức, gồm: Hiệp hội CropLife Quốc tế (CLI); Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Hiệp hội CropLife Việt Nam (CLV) đã khai mạc Hội nghị Quốc tế về Quản lý Bao gói thuốc bảo vệ thực vật năm 2024 (CMS2024). Hội nghị kéo dài trong 3 ngày từ 4 - 6/9/2024.
QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA TRONG NÔNG NGHIỆP
Quản lý Bao gói thuốc bảo vệ thực vật (CMS) là một sáng kiến của CLI, trong đó hội nghị chuyên đề đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2018 và Hội nghị thứ hai tại Thượng Hải (2019). Sáng kiến này đã được khởi động lại vào năm 2024 tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị CMS2024, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và chia sẻ trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, nhằm thúc đẩy các phương thức quản lý và thực hành thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật một cách bền vững.
“Đây là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ hoạt động quản lý sản phẩm theo vòng đời của ngành. Từ góc độ quản lý, chúng tôi cũng hy vọng các chuyên gia tại hội nghị sẽ chia sẻ kinh nghiệm và cơ chế quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các nước để từ đó chúng tôi có thể tiếp tục có hướng dẫn và triển khai cách thức quản lý phù hợp tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, tuần hoàn hiện nay”, ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
Ông Andrew Ward, Giám đốc Quản lý CLI, cho biết CropLife cùng các công ty thành viên đã tiên phong trong việc triển khai quản lý nhựa nông nghiệp thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại hơn 60 quốc gia. Nhiều hệ thống trong đó không chỉ xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật mà còn mở rộng quản lý thêm nhiều loại rác thải nông nghiệp khác.
“Những hệ thống này không chỉ cho thấy tính hiệu quả của việc quản lý rủi ro mà còn tạo ra lợi ích cụ thể đối với môi trường, đặc biệt khi các bình chứa thuốc bảo vệ thực vật đã được tái chế thành nhiều sản phẩm nhựa khác”, ông Andrew Ward nói.
Ông Siang Hee Tan, Giám đốc Điều hành CropLife Châu Á, phân tích vai trò của những hướng dẫn pháp lý trong việc tạo điều kiện triển khai thành công các chương trình quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là ở các nước châu Á. Những quy định rõ ràng và tương xứng trên cơ sở chung trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trở nên ngày càng quan trọng. Tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị đều phải có trách nhiệm quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật theo hết vòng đời của sản phẩm.
Đây cũng là cơ sở đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa các nhà sản xuất cũng như nhà nhập khẩu. CropLife Châu Á cũng đưa ra khuyến nghị về một số quy định bắt buộc đối với các nhà bán lẻ và nhà phân phối trong việc thu hồi bao gói thuốc cũng như đối với người sử dụng cuối trong việc tráng rửa và xử lý bao gói sau sử dụng.
THỰC THI TRÁCH NHIỆM MỞ RỘNG CỦA NHÀ SẢN XUẤT
Chia sẻ kinh nghiệm tại Việt Nam, ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch CropLife Việt Nam, cho biết trong những năm qua, CropLife Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật cùng nhiều đối tác ngành nhằm triển khai các mô hình thí điểm về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả tại các vùng sản xuất nông nghiệp, trọng điểm như tại tỉnh Sơn La và Đồng Tháp.
“Bằng việc hướng dẫn nông dân xử lý bao gói sau sử dụng, thiết lập bể chứa và tổ chức nhiều phong trào thu gom bao gói, chúng tôi hy vọng từng bước thay đổi thói quen sử dụng của nông dân một cách bền vững hơn. Các thành viên của chúng tôi cũng ủng hộ và chủ động đóng góp kinh phí vào quỹ EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) với mong muốn có thêm cơ chế tài chính để thúc đẩy các hoạt động thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp trên cả nước một cách có hệ thống và dài hạn”, ông Bảo cam kết.
Theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam, EuroCham đã và đang tích cực thúc đẩy các hoạt động bền vững ở Việt Nam, bao gồm việc tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) vào năm 2022 và lên kế hoạch tổ chức tiếp vào tháng 10/2024.
“Chúng tôi cam kết hỗ trợ tầm nhìn của Việt Nam về một tương lai bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp bền vững rất quan trọng đối với an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế và EuroCham sẵn sàng hợp tác với chính phủ, các thành viên và các bên liên quan để giải quyết các thách thức trong quản lý rác thải nhựa nông nghiệp”, ông Jean-Jacques Bouflet nhấn mạnh.
Hội nghị quốc tế lần này quy tụ sự tham gia của hơn 50 chuyên gia hàng đầu trên thế giới về quản lý bao bì cùng nhiều cán bộ từ các cơ quan quản lý thuốc bảo vệ thực vật và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại các nước Đông Nam Á.
Trong 3 ngày của hội nghị, các chuyên gia sẽ trình bày và trao đổi những kinh nghiệm từ các quốc gia về quản lý vòng đời của thuốc bảo vệ thực vật, từ sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý rác thải và môi trường sau khi sử dụng.
Ngày đầu hội nghị là diễn đàn cho các đại diện đến từ Việt Nam và các nước Châu Á cập nhật thông tin về chính sách và tình hình quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Trong phiên này, các chuyên gia cũng chia sẻ những yếu tố chính tạo nên sự thành công của việc thiết lập hệ thống quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các khu vực như Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi – Trung Đông cùng một số chương trình thí điểm về thu gom và xử lý bao gói thuốc tại một số nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Ngày thứ 2 tập trung vào hai vấn đề lớn liên quan đến Quản lý vòng đời thuốc bảo vệ thực vật. Đó là: (i) Cập nhật việc thực thi cơ chế EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) đối với các hoạt động quản lý rác thải vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật; (ii) Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong hoạt động tập huấn, truyền thông và mở rộng quy mô các hoạt động quản lý bao gói tại các nước. Trong ngày này, đại diện Văn phòng EPR Quốc Gia tại Việt Nam cũng giới thiệu về quy định EPR nói chung và cơ chế hỗ trợ các chương trình quản lý bao gói tại Việt Nam.
Ngày thứ ba của hội nghị sẽ được chia thành hai phần. Buổi sáng, các chuyên gia sẽ tiếp tục trao đổi về những thỏa thuận quốc tế liên quan tới quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, cũng như mở rộng thảo luận về quản lý nhựa trong nông nghiệp. Buổi chiều, các đại biểu sẽ tham quan mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại một nông trại đạt tiêu chuẩn Global GAP để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.