14:34 22/08/2022

Chuẩn hóa quy định ứng dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật

Chu Khôi

Việc ứng dụng Drone/UAV (thiết bị bay không người lái) để phun thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên ngày càng phổ biến, thế nhưng hiện nay Việt Nam chưa có quy định về loại thuốc nào dùng được cho drone, khu vực nào, cây trồng nào, loại sâu bệnh gì thì được ứng dụng bay phun thuốc...

Phun thuốc bằng UAV nhiều tiện lợi.
Phun thuốc bằng UAV nhiều tiện lợi.

Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn cơ sở cho việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng bằng UAV.

Thông tin trên được ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu lên tại hội thảo “Chia sẻ thông tin, quy định về quản lý và sử dụng UAV/Drone của một số nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Góp ý cho dự thảo Tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng UAV”.

Hội thảo do Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp cùng Hiệp hội CropLife Việt Nam đồng tổ chức vào cuối tuần qua, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đại diện những công ty đa quốc gia nghiên cứu và phát triển giải pháp bảo vệ thực vật cũng như các công ty cung cấp thiết bị drone.

XÂY DỰNG QUY ĐỊNH CHO SỬ DỤNG UAV/DRONE

Ông Huỳnh Tấn Đạt nhận định ứng dụng Drone được xem là một giải pháp hỗ trợ nông dân trên toàn cầu giải quyết nhiều vấn đề trong nông nghiệp; tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm các tác động tiêu cực từ canh tác nông nghiệp tới sức khoẻ và môi trường đồng thời nâng cao chất lượng nông sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Các ứng dụng của Drone có thể kể đến như lập bản đồ, kiểm tra và theo dõi mùa vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật, giám sát tưới tiêu và chăn thả gia súc.

 

"Tiêu chuẩn cơ sở được ban hành sẽ là cơ sở kỹ thuật để các đơn vị thực hiện xây dựng quy trình phòng trừ sinh vật gây hại bằng thiết bị Drone cho từng loại thuốc, cây trồng, sinh vật gây hại khác nhau. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn, vận hành Drone đảm bảo nguyên tắc "4 đúng", hiệu quả, an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật".

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật.

Theo ông Đạt Việc ứng dụng Drone để phun thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên ngày càng phổ biến nhờ những ưu điểm nổi bật của công nghệ về hiệu quả, độ chính xác, khả năng tiết kiệm lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, bảo vệ sức khỏe cho người dân...

Tuy nhiên hiện nay, nông dân Việt Nam đang ứng dụng tự phát thiết bị bay không người lái, chưa có quy định về loại thuốc nào dùng được cho drone, khu vực nào, cây trồng nào, loại sâu bệnh gì thì được ứng dụng bay phun thuốc. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật sẽ kết hợp với các bên hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm và các quy định có liên quan đến sử dụng UAV để phun thuốc bảo vệ thực vật.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay của Việt Nam, các công ty thành viên của Hiệp hội CropLife Việt Nam và một số công ty thuộc Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc Bảo vệ thực Việt Nam (VIPA)… tiến hành các mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng Drone.

Quá trình thử nghiệm, đã lựa chọn 8 dạng thuốc bảo vệ thực vật (với 29 loại), tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính, phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước. Đây là cơ sở quan trọng để Cục bảo vệ thực xây dựng dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng Drone.

Ông Huỳnh Tấn Đạt phát biểu tại hội thảo.
Ông Huỳnh Tấn Đạt phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), cho rằng nếu không có đánh giá cẩn thận, hướng dẫn cụ thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Trong đó, một vấn đề cần được tiếp tục đánh giá thêm là việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái có ảnh hưởng đến cây trồng và các sinh vật có ích trên đồng ruộng hay không.

GIÚP GIẢM 50% LƯỢNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Ông YingNan Jlang, đại diện CropLife châu Á, cho biết việc ứng dụng Drone trong sản xuất nông nghiệp giúp giải quyết nhiều thách thức lớn mà ngành nông nghiệp tại châu Á đang phải đối mặt như: áp lực dịch hại tăng cao, chi phí sản xuất tăng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, sức khỏe và sự an toàn của nông dân bị đe dọa, thiếu hụt và già hóa lao động nông nghiệp...

Bên cạnh đó, nếu so sánh với việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng tay thì ứng dụng Drone giúp giảm 70% lượng nước cần dùng, giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng hiệu lực tương đương, thậm chí tốt hơn, tốc độ phun nhanh hơn 30 lần, giảm bớt áp lực thiếu nhân công...

Để ứng dụng thành công Drone trong sản xuất, ông YingNan Jlang khuyến cao cần nâng cao nhận thức chung về lợi ích của Drone trong việc đảm bảo an toàn cho người dân, nâng cao năng suất và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác đa ngành giữa Chính phủ và ngành công nghiệp; tích cực trao đổi thông tin, kiến thức và các phương thức ứng dụng tiên tiến để quản lý rủi ro...

 

"Nếu so sánh với việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng tay thì ứng dụng Drone giúp giảm 70% lượng nước cần dùng, giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng hiệu lực tương đương, thậm chí tốt hơn, tốc độ phun nhanh hơn 30 lần, giảm bớt áp lực thiếu nhân công..."

Ông YingNan Jlang, đại diện CropLife châu Á.

Ông Ricky Ho, Giám đốc Khoa học và Pháp chế, tổ chức CropLife Châu Á chia sẻ, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Goldman Sachs, nông nghiệp được dự báo sẽ là ngành có mức độ ứng dụng drone lớn thứ 2 trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới.

Chỉ tính riêng tại Trung Quốc, số lượng drone sử dụng trong nông nghiệp ước tính trong giai đoạn 2016 – 2017 là khoảng 13.000 thiết bị bay; tới năm 2021 con số này đã lên hơn 160.000 (tăng hơn 10 lần) với tổng diện tích ứng dụng ước tính là gần 87 triệu ha.

Sự thay đổi này còn được thúc đẩy nhanh chóng bởi các nước trong khu vực Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ - những nơi mà việc sử dụng drone đã mang lại nhiều cơ hội tiềm năng trong việc giải quyết các áp lực gia tăng về an ninh lương thực do tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, xu hướng già hoá dân số và quá trình đô thị hoá nhanh chóng.

“Trong bối cảnh, Châu Á đang dẫn đầu thế giới về việc ứng dụng Drone/UAV trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, CropLife Châu Á và các thành viên cũng đang nỗ lực để đảm bảo rằng mức độ tăng trưởng của công nghệ sẽ tương thích với việc mở rộng và thực thi các khuôn khổ pháp lý phù hợp, dựa trên khoa học và có tinh thực tiễn, từ đó hỗ trợ sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả công nghệ này”, ông Ricky nói.

Tại hội thảo, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, trong tiêu chuẩn cơ sở, cần sử dụng câu chữ rõ ràng, mạch lạc, cụ thể theo từng vấn đề; sớm thống nhất quy định về diện tích ô khảo nghiệm, phương pháp điều tra lấy mẫu, liều lượng thuốc sử dụng, dung tích bình, sử dụng lượng nước phun, xử lý thuốc…

Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị bay với các thông số kỹ thuật, cách thức vận hành khác nhau nên cần có đơn vị đánh giá, thẩm định, quản lý thiết bị bay. Việc quản lý, vận hành, chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước, pháp luật về vận hành Drone phải do tổ chức đảm nhiệm. Người vận hành thiết bị bay phải là người thuộc các tổ chức được cấp phép, được đào tạo bài bản và cấp chứng chỉ vận hành…