Ngành thuốc bảo vệ thực vật phát triển theo hướng xanh và bền vững
Tỷ trọng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại Việt Nam đã tăng từ 16,67% năm 2021 lên 18,49% năm 2022. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu trung bình 18.000 - 20.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chiếm khoảng 15 - 20% so tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu…
Ngày 28/12/203, tại TP Cần Thơ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với một số đơn vị tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững”.
THUỐC SINH HỌC NHIỀU “ĐẤT PHÁT”
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết thuốc bảo vệ thực vật là một loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo việc kiểm soát sâu bệnh, tránh ảnh hưởng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc sử dụng, lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
“Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã ưu tiên thực hiện đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc hại; đồng thời rà soát, loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững”, ông Huỳnh Tấn Đạt khẳng định.
Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ Thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết trên thị trường thế giới, dự báo năm 2023 - 2028, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép đạt 15,9%, năm 2023 đạt 6,7 tỷ USD và dự kiến năm 2028 sẽ đạt 13,9 tỷ USD. Dự báo thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ tương đương với thị phần thuốc bảo vệ thực vật hóa học vào năm 2040 - 2050.
"Hiện nay lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình giảm từ 3,81 kg/ha năm 2020 xuống 3,19 kg/ha năm 2023. Trong đó lượng thuốc sinh học sử dụng tăng từ 16,67% năm 2021 lên 18,49% năm 2023".
Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ Thực vật, Cục Bảo vệ thực vật.
Tại Việt Nam, bà Hương cho biết tính đến hết 2023, số lượng nhãn hiệu, tên thuốc bảo vệ thực vật sinh học được phép sử dụng là 810 sản phẩm. Về xuất khẩu, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học xuất khẩu hàng năm của nước ta trung bình 600 tấn/năm, chiểm khoảng 5% so tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu là Đài Loan, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản...; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia chiếm tỷ lệ 51,4% và Đài Loan 32,9%.
Lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu hằng năm của nước ta trung bình 18.000 - 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 15 - 20% so tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu. Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU, ASEAN…
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án phát triển sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2023, tầm nhìn 2050. “Cục Bảo vệ thực vật đã rất nỗ lực trong 2 năm vừa qua để hoàn thiện Đề án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đã cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để làm sao trong thời gian tới chúng ta hướng tới được một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, đặc biệt thực hiện được các mục tiêu mà Đề án đã đề ra”, bà Hương nhấn mạnh.
Chia sẻ về Chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm của Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch VIPA, khẳng định: Chương trình được triển khai nhằm khắc phục những tiêu cực từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trước đây. Chương trình gồm các hoạt động: biên soạn tài liệu tập huấn, tổ chức tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cho đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nông dân và cán bộ tại địa phương; xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.
Bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên CropLife Việt Nam, cho biết Croplife những năm qua đã triển khai các hoạt động truyền thông và stewardship, giúp nông dân và cộng đồng hiểu đúng về vai trò và đóng góp của thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.
Hoạt động “stewardship” là cách tiếp cận quản lý sản phẩm theo vòng đời, tức là đảm bảo quy trình quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm ở tất cả các bước, từ nghiên cứu, phát triển và sản xuất cho tới thương mại, phân phối ra thị trường cũng như tiêu hủy, thu gom bao bì sau sử dụng.
Từ cuối năm 2022, Croplife đã phối hợp cùng Cục Bảo vệ Thực vật, Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp nông thôn (IPSARD) công bố hai nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật tiến hành trong giai đoạn 2019 - 2022, là “Đóng góp kinh tế - xã hội của các sản phẩm hóa chất nông nghiệp tại Việt Nam” và “Nghiên cứu hành vi của nông dân Việt Nam trong sử dụng hóa chất nông nghiệp”. Croplife đã thực hiện Chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm tại Sơn La (giai đoạn 2017 – 2020); tại Đồng Tháp (giai đoạn 2021 – 2026).
Thời gian tới, Croplife sẽ số hóa tài liệu tập huấn; thiết lập nền tảng đào tạo trực tuyến bổ sung cho các lớp học trực tiếp; hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường các dự án hợp tác, liên kết với các hiệp hội trong nước và các đối tác trong chuỗi giá trị.
KIẾN NGHỊ GỠ “RÀO CẢN” CHO THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SINH HỌC
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, phát triển sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp muốn đưa một chủng loại mới đi đăng ký đều gặp khó khăn trong khâu khảo nghiệm, chi phí cao nên việc phát triển sản phẩm có nhiều trở ngại, đưa tới hiện trạng “bình cũ rượu mới” để tránh đăng ký.
Từ thực tế này, ông Võ Quan Huy kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật cần tạo thông thoáng hơn trong khâu đăng ký lưu hành thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nên chuyển sang hậu kiểm khi đăng ký sản phẩm mới, chỉ kiểm soát chất cấm trong sản phẩm.
GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, cho biết trong lĩnh vực phòng trừ dịch hại, do sâu bệnh kháng thuốc nhanh nên nông dân thường tăng nồng độ sử dụng, dẫn đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông nghiệp tăng cao.
Vì vậy, cần phải dự báo được những loại bệnh mới sẽ nảy sinh trong thời gian tới theo quy luật nào, cần cập nhật thì mới có hướng dẫn kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học bảo vệ thực vật; chẩn đoán giám định nhanh sâu bệnh cỏ dại và các vi sinh vật hại khác phục vụ kiểm dịch thực vật về xuất nhập khẩu nông sản hàng hóa…
PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng việc phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn gặp một số rào cản như: Hiệu lực chậm, thấp hơn và không ổn định; chuyên tính hẹp, không phong phú về chủng loại; thời gian bảo quản ngắn, dễ bị ảnh hưởng của môi trường, dễ bị lẫn tạp; sử dụng khó; chi phí sử dụng thuốc cao…
"Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Cùng với đó, đổi mới công tác đăng ký, quản lý thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm tạo động lực và quản lý hiệu quả hơn, hài hòa với quy định của các nước tiên tiến. “Cần loại bỏ một số yêu cầu về số liệu thử nghiệm đối với các thuốc sinh học rủi ro thấp; quy định về các trường hợp thuốc bảo vệ thực vật được ưu tiên đăng ký đặc cách; tăng thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 10-15 năm, thay cho 5 năm hiện nay…”