Thúc đẩy phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong trồng trọt
Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam hiện nay, thuốc sinh học hiện chiếm 19% và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian; lợi ích từ sử dụng thuốc sinh học rất rõ…
Ngày 2/11/2023, tại TP.HCM, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học” dưới sự Chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung.
Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân và các bên liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật sinh học đánh giá các kết quả thực hiện bước đầu, nhìn nhận trực diện những khó khăn, thách thức và thảo luận chiến lược và cách thức triển khai cụ thể để thúc đẩy thuốc bảo vệ sinh học trong thời gian tới.
CẦN THUỐC TRỪ SÂU SINH HỌC ĐỂ NÔNG SẢN ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM
Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Hoàng Trung cho biết: Tính đến tháng 10/2023, riêng kim ngạch xuất khẩu của ngành trồng trọt là khoảng 22 tỷ USD, đóng góp gần 50% toàn ngành nông lâm ngư nghiệp.
Bên cạnh việc đảm bảo kiểm soát sâu bệnh và dịch hại, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trồng trọt đó là hỗ trợ các chủ trương của ngành nông nghiệp trong việc phát triển ngành bền vững, xanh và chất lượng cao. Do đó định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, trong danh mục thuốc Bảo vệ thực vật tại Việt Nam hiện nay, thuốc sinh học hiện chiếm 19% và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian; lợi ích từ sử dụng thuốc sinh học rất rõ. Đây là tiền đề để thực hiện hiệu quả việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong thời gian tới.
Chỉ ra một số hạn chế, khó khăn như trong phát triển và sự dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng nhận thức của doanh nghiệp, người dân và địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy định hiện nay chưa thực sự tạo động lực và hấp dẫn để chuyển hướng nghiên cứu phát triển thuốc sinh học. Ngoài ra, nghiên cứu về thuốc sinh học tập trung chủ yếu ở bước phòng thí nghiệm; số lượng mô hình còn ít, cần đa dạng hơn.
Tại hội nghị, Hiệp hội CropLife Châu Á và CropLife Việt Nam đã chia sẻ về xu hướng nghiên cứu, phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ sinh học trên thế giới cũng như một số đề xuất để thúc đẩy ứng dụng tại các nước có mô hình canh tác quy mô nhỏ, trong đó có Việt Nam.
Theo CropLife Châu Á, trên quy mô toàn cầu, ngoài hơn 600 hoạt chất bảo vệ thực vật tổng hợp, hiện có khoảng 300 hoạt chất và sinh vật trừ sâu sinh học. Bắc Mỹ hiện tại là đang là khu vực có tỷ lệ ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cao nhất.
Về mức độ sử dụng phổ biến, thuốc trừ sâu sinh học đang chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thuốc hoá học có nguồn gốc tự nhiên chiếm 1/3 thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
"Các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã được đăng ký vào Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật là các vi sinh vật chiếm khoảng 13%; Thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc tự nhiên chiếm khoảng 24%; và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thuộc nhóm hóa sinh chiếm khoảng 63%".
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.
Tiến sỹ Tony Alfonso - Chủ tịch Tổ công tác về Thuốc Bảo vệ thực vật sinh học – CropLife Châu Á nhấn mạnh vai trò của thuốc bảo vệ thực vật sinh học khi đây được xem là một trong những công cụ hữu hiệu trong chương trình IPM (thực hành canh tác nông nghiệp an toàn) khi kết hợp cùng với các sản phẩm hóa chất nông nghiệp khác, biện pháp canh tác, quản lý thời tiết và các yêu tố đầu vào…để đảm bảo năng suất và chất lượng tối ưu trong việc phòng trừ dịch hại.
Thuốc bảo vê thực vật sinh học đặc biệt hữu hiệu tại những thời điểm như đầu mùa vụ, khi áp lực sâu bệnh thấp và tại cuối vụ khi nhu cầu về kiểm soát dư lượng trên nông sản cần được ưu tiên.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Bảo vệ Thực vật cho hay tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các chính sách về thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng và triển khai chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025”.
Trong công tác quản lý, một số chính sách ưu tiên về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sinh học so với các thuốc bảo vệ thực vật hoá học đã được ban hành và triển khai. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đã được quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
Số liệu từ các địa phương cho thấy trong 3 năm gần đây (2020-2022) tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình cả nước đang xu hướng giảm dần qua các năm từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19 kg/ha năm 2022. Trong đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trung bình trên cả nước vẫn được sử dụng ở mức ổn định và có xu hướng tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022.
CẦN ĐỔI MỚI QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
Theo GS.TS Phạm Văn Toản, Phó Giám Đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam đã được bắt đầu từ những năm 1970 với một số công trình đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín; tuy nhiên cho tới nay có rất ít sản phẩm đang được giới thiệu và thương mại trên thị trường.
"Cần bổ sung quy định đối với sản phẩm sinh học mới; đơn giản hoá, loại bỏ một số thủ tục và yêu cầu về số liệu thử nghiệm đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học và đưa ra hướng dẫn về trường hợp thuốc bảo vệ thực vật sinh học được đăng ký đặc cách…".
PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), đã chia sẻ một số khó khăn, hạn chế trong việc ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong điều kiện canh tác quy mô nhỏ tại Việt Nam, như hiệu lực sinh học thấp, giá thành cao và vẫn ít được nông dân lựa chọn.
Theo kiến nghị của PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn, cần đổi mới công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam bao gồm cập nhật, cụ thể hoá khái niệm thuốc bảo vệ thực vật.
Tại hội nghị, nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã được đưa ra. Theo đó, về cơ chế chính sách, cần tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Về khoa học công nghệ, cần khuyến khích liên kết nghiên cứu, phát triển thuốc sinh học giữa các doanh nghiệp với các viện, trường hoặc các doanh nghiệp khoa học công nghệ được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đặt hàng và ưu tiên bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học phục vụ sản xuất tại Việt Nam.
Cần tăng cường hợp tác công tư với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước, Hiệp hội ngành hàng và người dân cùng phối hợp thực hiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế như FAO, WHO... để phát triển thuốc bảo vệ thực sinh học; chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam.