Quảng Nam đặt mục tiêu 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện vào năm 2025
Từ kết quả chuyển đổi số ở Quảng Nam mang lại sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản lý Nhà nước và cải cách hành chính, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho tổ chức và công dân.
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về “Chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định mục tiêu cơ bản đến năm 2025, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết để triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, các sở, ban ngành của tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng sớm đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành Chính quyền điện tử trên địa bàn của tỉnh. Qua đó góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Quảng Nam đã triển khai thống nhất, đồng bộ các ứng dụng dùng chung cơ bản của Chính quyền điện tử như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số… kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp, thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Bửu, đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã cung cấp được gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chiếm tỷ lệ 80% bộ thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cấp tỉnh đạt 47,75%; các dịch vụ công trực tuyến ngày càng được cải tiến và thuận tiện giúp giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
“Quảng Nam tập trung xây dựng và phát triển nền tảng Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G), thứ 5 (5G)”, ông Hồ Quảng Bửu thông tin thêm.
Trước đó, từ năm 2020, Quảng Nam đã triển khai thực hiện hệ thống trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, góp phần hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử. Trong năm 2021, tỉnh triển khai ứng dụng Smart Quang Nam kết nối người dân với chính quyền, đưa vào sử dụng tổng đài Thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin của người dân, doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực giáo dục, hầu hết các trường phổ thông đã sử dụng hệ thống thông tin quản lý trường học. Ngành du lịch đã triển khai thí điểm hệ thống du lịch thông minh gồm các phân hệ: Cổng thông tin du lịch; Bản đồ số du lịch; Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, có tối thiểu 1.000 lượt doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh được tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phấn đấu 40% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp thử nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số.
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện nay, ngành Y tế đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Đến nay tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS trong việc quản lý, điều hành và ứng dụng trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; 100% các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội qua hệ thống giám định điện tử.
Để tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), phát triển kinh tế số, ông Hồ Quảng Bửu cho biết, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang xây dựng Đề án triển khai bản đồ GIS phục vụ xúc tiến đầu tư, phục vụ cơ quan nhà nước và người dân tiếp cận cơ sở dữ liệu GIS các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế và các dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông mới công bố, tỉnh Quảng Nam đứng thứ thứ 24/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm 2, tương đương mức khá, với chỉ số DTI là 0,3264, so với trung bình cả nước là 0,3026.
Với những kết quả đạt được nhờ chuyển đổi số mang lại sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản lý Nhà nước và cải cách hành chính, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.