09:14 30/08/2022

Phát triển kinh tế số từ những chợ huyện 4.0

Trâm Đoàn

Tính tới tháng 6/2022, hạ tầng Viettel Money đã phủ sóng toàn quốc, trong đó mô hình “Chợ 4.0 - Chợ không tiền mặt” được triển khai rộng khắp các tỉnh, thành của Việt Nam...

Sau hơn nửa năm chính thức triển khai dịch vụ, “tiền di động” Viettel Money đã len lỏi đến từng ngõ ngách bản làng, vùng sâu vùng xa... Với Viettel Money, các khu chợ truyền thống đang chuyển mình thành “Chợ 4.0”, góp phần phát triển thanh toán không tiền mặt, từng bước xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

TỪ CHỢ 4.0

Vừa giơ máy lên quét mã QR để thanh toán mấy mớ rau vừa mua, chị Nguyễn Hải Yến (Đại Từ, Thái Nguyên) vừa ngoái lại chia sẻ về sự tiện lợi từ khi dùng điện thoại để trả tiền đi chợ. “Tôi không còn phải rút, mang tiền theo người, cũng không phải lo việc Covid lây lan qua tiền mặt như báo chí vẫn khuyến cáo nữa”, chị Yến bày tỏ.

Còn chị Thanh Hải, một tiểu thương cho biết Viettel Money khá thuận tiện cho công việc kinh doanh, dễ sử dụng và thao tác đơn giản hơn chuyển khoản ngân hàng. “Giờ có thể trả tiền qua điện thoại, tôi không còn chuẩn bị nhiều tiền lẻ, cũng không cần chạy khắp chợ để đổi tiền gửi lại khách như trước nữa”, chị Hải hào hứng cho hay.

Chợ Đại Từ (Thái Nguyên) là một trong những khu chợ trên cả nước mà Viettel phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai mô hình Chợ 4.0. Hoạt động này nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không tiền mặt nói riêng. Trung tâm của mô hình Chợ 4.0 là Viettel Money - hệ sinh thái thương mại, tài chính số cho phép người dân mua bán, chuyển tiền, thanh toán không tiền mặt chỉ với số điện thoại.

Được triển khai từ đầu tháng 2/2022, đến nay tại chợ Đại Từ đã có khoảng 500 tiểu thương mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phần lớn đã thực hiện phương thức thanh toán số. Lãnh đạo huyện Đại Từ cho biết, sau khi triển khai Chợ 4.0, cơ bản người bán và người mua tại chợ Đại Từ đã biết cách sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt. “Chợ 4.0 là một trong những bước đi chiến lược trong việc xây dựng, phát triển xã hội số và kinh tế số tại Thái Nguyên, và chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này”, lãnh đạo huyện Đại Từ cho biết.

Tại Đà Nẵng, nhiều khu chợ như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa cũng đã đồng loạt thí điểm mô hình Chợ 4.0. Theo đại diện Viettel, mạng lưới các điểm nạp, rút tiền trong và xung quanh chợ đang liên tục mở rộng; việc trang bị mã QR thanh toán bằng Viettel Money được nhanh chóng triển khai tới hơn 1.000 tiểu thương, gian hàng sau chưa đầy nửa năm. Tính an toàn, tiện lợi của Viettel Money không chỉ phát huy vai trò trong bối cảnh dịch Covid-19, mà còn rộng mở cơ hội giao thương, du lịch, phát triển kinh tế số cho người dân Đà Nẵng trong giai đoạn bình thường mới hiện nay.

Phát triển kinh tế số từ những chợ huyện 4.0 - Ảnh 1

Tính tới tháng 6/2022, hạ tầng Viettel Money đã phủ sóng toàn quốc, trong đó mô hình “Chợ 4.0 - Chợ không tiền mặt” được triển khai rộng khắp các tỉnh, thành của Việt Nam. Số chợ triển khai sử dụng Viettel Money để giao dịch đã lên đến con số 137. Tổng số điểm chấp nhận thanh toán bằng Viettel Money phát triển tại dự án chợ đạt hơn 16 nghìn điểm.

Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, đơn vị phụ trách Viettel Money cho biết, với mạng lưới điểm giao dịch phủ tới 11.000 xã, Viettel đảm bảo ở đâu có sóng viễn thông, nơi đó có hạ tầng dịch vụ số và có Viettel Money.

ĐẾN “CHÌA KHÓA” PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, thuê bao di động sử dụng dịch Mobile Money tính đến thời điểm hiện tại tăng 4 lần so với tháng 1/2022, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng khoảng 20%. Lượng khách hàng đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 67% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ, còn lại 33% là ở đô thị.

Tỷ lệ phát triển thuê bao Mobile Money như trên cho thấy dịch vụ này đang bám sát chủ trương và mục tiêu phát triển - là chủ yếu hướng tới đối tượng vùng sâu vùng xa, người dùng ở nông thôn, miền núi… những nơi người dân chưa có tài khoản ngân hàng và chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

Phát triển kinh tế số từ những chợ huyện 4.0 - Ảnh 2

Viettel Money đang từng bước góp phần thực hiện sứ mệnh phổ cập thanh toán không tiền mặt đến các khu vực ngoài trung tâm, đến những người dân đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đạt được mục tiêu đề ra của Quyết định 316/QĐ-TTg về thí điểm Mobile Money. Đồng thời Mobile Money cũng đang được xem là “chìa khóa” để phát triển kinh tế số, xã hội số. “Việc triển khai Mobile Money thời gian qua đã đảm bảo thực hiện đúng sứ mệnh phổ cập tài chính toàn diện quốc gia”, đại diện Viettel khẳng định.

Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Mobile Money từ khi triển khai đến nay đã góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Lãnh đạo Vụ Thanh toán cũng cho rằng, Mobile Money đã tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội.

 

Hệ sinh thái thương mại, tài chính số Viettel Money đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành trên cả nước với mạng lưới hàng trăm đối tác ngàn điểm giao dịch, điểm chấp nhận thanh toán. Không chỉ có Chợ 4.0 mà mạng lưới đối tác Viettel Money còn gồm hàng loạt các lĩnh vực đa dạng như: dịch vụ công, du lịch - di chuyển, ăn uống - giải trí, mua sắm, thương mại điện tử... đã đi vào hoạt động và liên tục nhân rộng giúp việc sử dụng tiền di động trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết...