10:39 06/11/2023

Quốc hội đánh giá cao kết quả xử lý sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng

Kỳ Phong

Kết quả thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội cho thấy việc xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo tại các tổ chức tín dụng khá hiệu quả, tình trạng thao túng ngân hàng từng bước được kiểm soát…

Quốc hội đánh giá chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện.
Quốc hội đánh giá chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện.

Tổng Thư ký Quốc hội vừa gửi tới các Đại biểu Quốc hội Báo cáo số 3006/BC-TTKQH ngày 03/11/2023, tổng hợp nội dung thẩm tra của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn, liên quan tới 21 lĩnh vực.

Quốc hội đánh giá, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, các cơ quan thuộc Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; tập trung đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm tạo sự lan tỏa, kết nối liên vùng. Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả, kịp thời bổ sung nguồn lực lớn hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, làm giảm bớt khó khăn của người dân, doanh nghiệp, nhiều chỉ số quan trọng được cải thiện đáng kể.

Song tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn còn chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 61/2022/QH15. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp.

Trong lĩnh vực tài chính, việc cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công được nâng cao; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa ban hành được Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; việc thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt rất thấp. Số vay để đảo nợ có xu hướng ngày càng cao; tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong công tác đấu thầu, mua sắm tài sản công. Việc rà soát, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa kịp thời, chưa nghiêm.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội đánh giá các chính sách tiền tệ được thực hiện chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Việc xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo khá hiệu quả, tình trạng thao túng ngân hàng từng bước được kiểm soát. Việc xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tín dụng tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Bên cạnh đó còn tồn tại một số hạn chế như việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Còn thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.

Trong lĩnh vực công thương, các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản được ban hành; các giải pháp bảo đảm cung ứng điện được quan tâm thực hiện. Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa được quan tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt kết quả tích cực.

Một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công thương được Quốc hội chỉ ra: việc ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 134/2020/QH14. Cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thị trường điện; cung - cầu điện vẫn còn bất cập.

Chưa cân đối được nguồn vốn và tháo gỡ vướng mắc để thực hiện Chương trình “Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”. Nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành các quy định về xây dựng, quy hoạch, môi trường. Chưa ban hành bộ tiêu chí để xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam theo yêu cầu của Nghị quyết số 134/2020/QH14. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu còn diễn biến phức tạp. Việc bố trí, huy động các nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa tương xứng với vai trò, nhu cầu và tiềm năng phát triển.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, đã ban hành đầy đủ các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông quan trọng quốc gia cơ bản đáp ứng yêu cầu; việc triển khai thu phí không dừng đã thực hiện theo yêu cầu. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được tăng cường.

Tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và đưa vào khai thác của một số dự án còn chậm. Nguồn cung vật liệu cho các dự án giao thông lớn rất khan hiếm, khó khăn. Việc xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT chưa đạt tiến độ theo yêu cầu của Nghị quyết số 62/2022/QH15. Công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông còn bất cập. Các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm.

Một số kết quả đạt được trong lĩnh vực xây dựng: công tác rà soát, hoàn thiện pháp luật được triển khai, thực hiện; từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; các đề án, chương trình quản lý, phát triển đô thị được tích cực triển khai. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, nhà ở được triển khai và đạt được kết quả ban đầu. 

Tuy vậy, lĩnh vực xây dựng còn tồn tại nhiều bất cập: chưa ban hành Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phát triển đô thị thông minh, bền vững còn hạn chế. Thị trường bất động sản, nhà ở còn khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn. Giá nhà ở còn ở mức cao so với thu nhập của người dân. Chưa ban hành đủ 12 bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo yêu cầu của Nghị quyết số 75/2022/QH15.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường: chính sách, pháp luật về đất đai đang được hoàn thiện; đã ban hành một số quy chuẩn quốc gia về môi trường. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã có sự chuyển biến, góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

 Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệuquốc gia về đất đai còn chậm. Chưa ban hành quy định về hoạt động lấn biển, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các lưu vực sông. Thiếu cơ chế, chính sách thu hút tư nhân tham gia vào các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu.