Tìm cách phá bỏ "ma trận" sở hữu chéo ngân hàng
Cho ý kiến lần đầu về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội nhận định việc đưa ra các quy định nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông, giảm tỷ lệ cấp tín dụng với một khách hàng/nhóm khách hàng mới chỉ giải quyết được “phần ngọn” của tình trạng sở hữu chéo…
Tại kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nghị quyết Trung ương nêu chấm dứt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, mạnh như thế, chứ không nói hạn chế nữa đâu”.
Đây cũng là nội dung được các đại biểu thảo luận nhiều nhất, thu hút sự quan tâm của cử tri và truyền thông.
TRĂM PHƯƠNG NGÀN KẾ LÁCH TỶ LỆ SỞ HỮU
Theo đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, nhằm hạn chế tình trạng thao túng hoạt động ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. So với luật hiện hành, Dự thảo Luậtcó điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân/cổ đông là tổ chức/ cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó đang lần lượt từ mức: 5%/15%/20% xuống còn 3% - 10% và 15%.
Trên thực tế, có tình trạng thông qua nhiều người quen biết, lập hàng trăm công ty con để nắm cổ phần chi phối ngân hàng mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Tỷ lệ sở hữu thực tại các ngân hàng được che dấu trong ma trận công ty con và hệ sinh thái chằng chịt.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng trong thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng.
Ở các nước có nền tài chính phát triển, các tập đoàn lớn, có doanh thu hàng trăm tỷ USD/năm cũng chỉ sở hữu vài ba công ty con. Trong khi, doanh nghiệp Việt Nam có tới hàng trăm công ty con, thậm chí công ty cháu, công ty chắt.
Trên thực tế, có tình trạng thông qua nhiều người quen biết, lập hàng trăm công ty con để nắm cổ phần chi phối ngân hàng mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Tỷ lệ sở hữu thực tại các ngân hàng được che dấu trong ma trận công ty con và hệ sinh thái chằng chịt.
Cho đến nay, chưa có quy định nào để kiểm soát các tập đoàn có mối liên hệ mất thiết với ngân hàng. Chẳng hạn trường hợp doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát với 762 doanh nghiệp có liên quan, một con số quá lớn, gây lũng đoạn ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
“Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn? Vấn nạn sở hữu chéo tại các ngân hàng có thể giải quyết căn cơ khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần? Đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay trong tổ chức thực thi? Mặt khác, cũng cần có sự đánh giá tác động với các cổ đông đang sở hữu cổ phần cao hơn quy định trong dự thảo. Nếu giữ nguyên quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu như dự thảo thì làm thế nào để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết?”, ông Trần Chí Cường nêu ý kiến.
Theo các đại biểu, việc sở hữu chéo tại các ngân hàng ai cũng nhận ra được, ai cũng biết, nhưng để chỉ mặt, đặt tên thì rất khó. Có một sự lòng vòng và rất lắt léo trong hệ thống tín dụng nếu đánh giá về sở hữu chéo.
“Theo số liệu, hiện nay chúng ta có khoảng 50 ngân hàng. Số lượng ngân hàng như vậy có phải là quá nhiều với quy mô kinh tế Việt Nam? Trước hết, cần phải có một sự rà soát để trả lời câu hỏi này. Trong số 50 ngân hàng nói trên, có những ngân hàng rất lớn nhưng cũng có không ít ngân hàng chưa đạt chuẩn. Tôi đề nghị chúng ta phải rà soát lại số không đạt chuẩn này, cần phải thiết kế các quy định trong luật để tạo ra các hàng rào kỹ thuật đối với các ngân hàng kém minh bạch, không đạt chuẩn”, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị.
Đối với ý kiến của đại biểu Quốc hội băn khoăn về những quy định về giảm tỷ lệ sở hữu, mở rộng đối tượng người có liên quan… đã khắc phục triệt để tình trạng sở hữu chéo hay chưa, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng đi đôi với việc quy định trong luật thì phải là vấn đề tổ chức thực hiện. Thống đốc cho biết qua một số vụ án xảy ra trong thời gian qua thì mới phát hiện ra có những trường hợp thuê/nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần tại ngân hàng. Quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu và mở rộng phạm vi người có liên quan chỉ là một trong các giải pháp để hạn chế tình trạng sở hữu chéo, có tính chất thao túng tại các ngân hàng. Để giải quyết triệt để việc này đòi hỏi rất nhiều công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau.
Theo Thống đốc, việc minh bạch cơ sở dữ liệu, các giao dịch của dân cư; các giao dịch về vốn cổ phần của doanh nghiệp…cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THANH TRA, GIÁM SÁT CÒN MỜ NHẠT
Từ thực tiễn xử lý tình trạng sở hữu chéo và cải tổ hệ thống ngân hàng tại Ý và Mỹ, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn Thừa Thiên Huế chỉ ra 3 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Thứ nhất, Mỹ thành lập Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) có chức năng giám sát độc lập đối với các cơ quan thuộc chính phủ. Ý kiến này cũng được nhiều đại biểu đồng tình. Một số ý kiến đề xuất nên cân nhắc về mô hình này, thay vì trao quyền điều tra cho cơ quan thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai, tăng cường trách nhiệm của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Ngoài ra, tăng cường trách nhiệm của chính các tổ chức tín dụng.
“Tôi muốn góp ý trong Dự thảo Luật lần này Điều 37, Điều 38, Điều 39 là tăng cường trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Giám đốc, Ban điều hành và thành viên Ban kiểm soát. Thành viên Ban kiểm soát phải có năng lực, phải độc lập. Đây là chốt chặn cuối cùng nhưng thời gian qua chốt chặn cuối cùng này chưa được hiệu quả lắm”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu ý kiến.
Thứ ba, tăng cường công khai, minh bạch. Theo đại biểu Nam, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phẩn từ 5% xuống 3% của một cá nhân tại tổ chức tín dụng vô tình làm giảm tính minh bạch.
“Ngay trong Dự thảo Luậtgiữa Điều 55 và Điều 4 chưa logic với nhau theo quan điểm của tôi. Điều 4 thì định nghĩa cổ đông lớn là sở hữu 5% vốn, đối chiếu với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán thì cổ đông lớn 5% có các nghĩa vụ công bố thông tin và như vậy sẽ tăng cường công khai, minh bạch. Nhưng tại Điều 55, ta lại giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân xuống 3%, như vậy họ sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông 5% nữa”, ông Nguyễn Hải Nam phân tích.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật. Song, ông cho rằng những giải pháp giảm tỷ lệ cổ phần và giới hạn cấp hạn mức tín dụng cho một khách hàng/nhóm khách hàng rất thụ động.
Đại biểu An cho rằng để trị tận gốc vấn nạn sở hữu chéo, ngoài tăng cường công khai, minh bạch; cần làm rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Dự thảo Luật bổ sung các chế tài đủ sức nặng răn đe đối với những cá nhân có dính líu đến việc sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.