16:45 19/09/2012

Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian bàn sửa Hiến pháp

Nguyên Vũ

Nhiều nội dung quan trọng sẽ được đề cập tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4 của Quốc hội - Ảnh: PT.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4 của Quốc hội - Ảnh: PT.
"Dành thời gian thỏa đáng để thảo luận dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, nếu cần thì làm việc cả ngày thứ Bảy", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gói lại phần thảo luận về chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 19/9.

Dự kiến khai mạc sáng 22/10 và bế mạc chiều 23/11/2012, tuy nhiên đa số ý kiến cho rằng khoảng thời gian này khó có thể đủ để hoàn thành yêu cầu của kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng.

Đáng chú ý, ngoài hai ngày chất vấn như thông lệ, Quốc hội dự kiến dành một buổi sáng để các bộ trưởng đã đăng đàn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3, trả lời về việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011), 5 bộ trưởng gồm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trực tiếp đăng đàn tại kỳ họp này.

Đến kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2012), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cơ quan này sẽ có công văn đề nghị các vị bộ trưởng, trưởng ngành sớm chuẩn bị những nội dung đã hứa tại hai kỳ họp nói trên để báo cáo Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội sớm xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giải trình tại phiên họp Hội đồng, ủy ban để giảm bớt những vấn đề cần đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4 này.

Bên cạnh sửa Hiến pháp và quy trình lấy phiếu tín nhiệm, công tác lập pháp cũng được đánh giá là rất “căng” với 10 dự án luật được thông qua và 10 dự án luật cho ý kiến lần đầu. Trong đó, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) chỉ thông qua theo quy trình một kỳ họp. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng còn rất nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết.

Ở kỳ họp tới, bên cạnh những nội dung theo thông lệ như phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận về kinh tế-xã hội, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, các phiên bàn về dự thảo nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh  Nguyễn Kim Khoa đề nghị truyền hình trực tiếp cả nội dung bàn về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để cử tri theo dõi.

Hầu hết các ý kiến đều đề nghị nếu cần thì tăng thời gian kỳ họp thêm vài ngày để có thể xem xét thấu đáo các vấn đề được đặt ra. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị dành ít nhất một ngày để thảo luận tổ và từ 1,5 - 2 ngày tại hội trường để thảo luận về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đã có dự định sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ họp một tuần để thảo luận nội dung này nhưng về rồi lại lên họp thì tốn kém nên bố trí luôn tại một kỳ họp.