10:35 21/07/2011

Quốc hội sẽ bàn chuyện sửa đổi Hiến pháp 1992

Anh Minh

Sáng nay (21/7), kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 đã khai mạc tại Hà Nội, bắt đầu chương trình làm việc kéo dài khoảng 2 tuần

Quốc hội sẽ xem xét tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập một ủy ban để tiến hành công việc này.
Quốc hội sẽ xem xét tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập một ủy ban để tiến hành công việc này.
Sáng nay (21/7), kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 đã khai mạc tại Hà Nội, bắt đầu chương trình làm việc kéo dài khoảng 2 tuần.

Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu khai mạc, trong đó nhấn mạnh rằng đây là thời điểm công cuộc đổi mới đang được tiếp tục đẩy mạnh, và bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đất nước cũng “đang đương đầu với không ít khó khăn thách thức”, đòi hỏi Quốc hội phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương thức hoạt động.

Đây là một kỳ họp mà theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến nền kinh tế sẽ được đưa ra thảo luận, bao gồm việc quyết toán ngân sách nhà nước, tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm và các giải pháp cho sáu tháng cuối năm, ban hành nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Một nội dung đặc biệt quan trọng là Quốc hội sẽ xem xét tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập một ủy ban để tiến hành công việc này.

Cũng trong phiên khai mạc, bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử Trung ương đã trình bày báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo báo cáo này, trong tổng số 500 đại biểu được bầu, có 78 đại biểu người dân tộc thiểu số, 122 đại biểu phụ nữ, 42 đại biểu ngoài Đảng, 62 đại biểu dưới 40 tuổi, 167 đại biểu tái cử và 4 đại biểu tự ứng cử.

Việc có tới 4 đại biểu tự ứng cử và trúng cử, tăng 3 người so với khóa 12, là một điểm nhấn đáng kể trong kết quả bầu cử, trong bối cảnh số lượng đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu phụ nữ, đại biểu ngoài Đảng và đại biểu dưới 40 tuổi đều giảm.

Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã trình bày báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm.

Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu của các đại biểu Quốc hội; thảo luận về dự kiến số lượng phó chủ tịch Quốc hội và ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13.