Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam hơn 650 triệu USD
Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2003. Đến nay, Quỹ đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét...
Ngày 10/5, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Ban Điều hành Quỹ Toàn cầu.
Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, lao và sốt rét là cơ chế tài chính đa phương (do tự nguyện đóng góp của các quốc gia, tổ chức tư nhân, quỹ từ thiện, doanh nghiệp...) nhằm mục tiêu chấm dứt 3 bệnh HIV/AIDS, lao và sốt rét.
Quỹ Toàn cầu được thành lập từ năm 2001, là nguồn tài trợ lớn nhất trên thế giới cho việc phòng chống 3 bệnh HIV/AIDS, lao và sốt rét. Trong hơn 20 năm vừa qua, Quỹ Toàn cầu đã nỗ lực tài trợ hơn 55 tỷ USD, cứu sống 50 triệu người và giảm được hơn một nửa tỷ lệ tử vong do 3 căn bệnh này ở các quốc gia được tài trợ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu từ vòng đầu tiên vào năm 2003. Kể đó đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.
Cuối năm 2022, Quỹ Toàn cầu thông báo trong giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam trên 130 triệu USD để phòng chống 3 bệnh và tăng cường hệ thống y tế.
Ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, Quỹ Toàn cầu đã chung tay với Việt Nam để giảm thiểu tác động của dịch bệnh ngay thời điểm dịch bùng phát mạnh, bao gồm: cung cấp máy móc, thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị Covid-19, trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chiến lược với mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là “Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét”. Ngành Y tế Việt Nam cũng nhận thức rõ các khó khăn và thách thức đang phải đối mặt.
Trong đó, dịch HIV/AIDS đã có những thay đổi về hình thái lây truyền và nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm, Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện và có khoảng 2.000 người tử vong do AIDS. Vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khoẻ cho khoảng hơn 220.000 người nhiễm HIV còn sống.
Về dịch lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Hiện nay, mỗi năm vẫn có khoảng 40% số bệnh nhân lao mắc mới chưa được phát hiện trong cộng đồng, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ hộ gia đình bệnh nhân lao phải chịu gánh nặng về chi phí thảm họa lên đến 63%.
Dịch sốt rét hiện nay đã giảm nhiều với số ca mắc chỉ còn vài trăm ca mỗi năm. Nhưng để loại trừ sốt rét vẫn còn nhiều thách thức như: mắc sốt rét kháng thuốc và nguy cơ lan tràn sốt rét kháng thuốc còn hiện hữu; sốt rét ngoại lai từ nước ngoài; nguy cơ sốt rét quay trở lại ở các vùng đã loại trừ rất cao nếu không duy trì được bền vững thành quả can thiệp.
Trong bối cảnh phòng chống các dịch bệnh còn khó khăn, với tiêu chí “không ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ Y tế Việt Nam đề nghị Quỹ Toàn cầu cũng như Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam phát huy các thành quả đạt được, tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, các sáng kiến mới, các thực hành tốt; tiếp tục huy động các nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.
Hiện nay, giai đoạn phê duyệt kinh phí thực hiện vòng 7 (giai đoạn 2024-2026) của Quỹ Toàn cầu, Việt Nam mong muốn tiếp tục được sự ủng hộ và tài trợ của Quỹ.
Bộ Y tế Việt Nam cũng cam kết tiếp tục nỗ lực tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế, đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.