Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp nghỉ lễ
Nhu cầu giao thương, du lịch của người dân sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn, nhất là trong thời gian nghỉ Lễ Giỗ Tổ, ngày 30/4-1/5, nguy cơ cao lây lan dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19, theo Bộ Y tế...
Bộ Y tế nêu rõ nội dung này trong công văn vừa gửi các địa phương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong, sau dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày 30/4 - 1/5.
Bộ Y tế cho biết, trong tháng 4/2023, một số bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm đã được ghi nhận số mắc gia tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm, như Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao); cùng đó nhu cầu giao thương, du lịch của người dân sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn (nhất là trong thời gian nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày 30/4-1/5), gây nguy cơ cao lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ lễ, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ và thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật, đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128, Quyết định số 218 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid” để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.
Đồng thời, chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
Có phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trước, trong và sau thời gian nghỉ lễ; tổ chức thường trực phòng chống dịch tại tất cả các tuyến, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể.
Các địa phương chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Báo cáo kịp thời và triển khai ngay các biện pháp ứng phó khi dịch có nguy cơ bùng phát trên địa bàn.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus. Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,...).
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K ( khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Bên cạnh đó, cần triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao như nhóm người cao tuổi, nhóm di biến động, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân, trước diễn biến gia tăng ca mắc Covid-19 thời gian gần đây, các địa phương cần tăng cường giám sát trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài, đặc biệt là sau vài năm đại dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài đến nước ta dự báo sẽ gia tăng, như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ gia tăng. Ngoài ra, sau kỳ nghỉ lễ, khi người dân trở lại làm việc, công tác phòng, chống dịch cần được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tại Hà Nội, để đảm bảo đáp ứng công tác y tế trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị duy trì, đảm bảo hoạt động đường dây nóng của đơn vị 24/24h để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong việc đáp ứng y tế; thực hiện giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại cơ sở y tế và cộng đồng, xử lý kịp thời, triệt để, không để dịch lan rộng.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện công tác kiểm dịch y tế quốc tế qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Riêng Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội sẵn sàng công tác cấp cứu; đảm bảo điều phối, hỗ trợ vận chuyển người bệnh Covid-19 mức độ trung bình, nặng, nguy kịch đến các cơ sở điều trị phù hợp.
Các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh; hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Tại TP.HCM, Sở Y tế thành phố đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 xuyên lễ cho người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên với 61 điểm tiêm vaccine tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Hiện thành phố đã ghi nhận các biến thể phụ mới của Omicron trên địa bàn như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1 cùng với miễn dịch cộng đồng bắt đầu có chiều hướng giảm dẫn đến số ca mắc mới tăng nhanh trong các ngày gần đây. Theo đó số ca nhập viện bắt đầu tăng cao trở lại, trong đó, hầu hết là người thuộc nhóm nguy cơ và những người chưa tiêm đủ vaccine phòng Covid-19.
Thống kê của Bộ Y tế trong ngày 28/4, cả nước ghi nhận 3.094 ca mắc Covid-19 mới. Đây là số ca cao nhất trong hơn 6 tháng qua ở nước ta. Bệnh nhân phải thở oxy còn 62 ca.