Rộ tình trạng mạo danh tài khoản doanh nghiệp để lừa tiền
Sau thời gian dài sử dụng tài khoản rác cá nhân để lừa đảo bị ngân hàng ngăn chặn, thông qua eKYC, tội phạm chuyển sang lập tài khoản doanh nghiệp "lởm" tiếp tục dụ dỗ, thao túng tâm lý nạn nhân để lừa tiền...
Thời gian qua, nổi lên tình trạng người dân bị lừa tham gia đầu tư vào các nhóm kín trên các mạng xã hội như Zalo, Telegram, điểm chung của các nạn nhân “dính bẫy” là các đối tượng lừa đảo sử dụng tên tài khoản tương tự tên của các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường.
LỢI DỤNG TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG MẠO DANH DOANH NGHIỆP
Theo đó, lợi dụng tính năng xác minh mở tài khoản bằng phương tiện điện tử (eKYC) tại các ngân hàng, các đối tượng lừa đảo thuê người đăng ký mở doanh nghiệp "ma" (không hoạt động thực tế) với tên gần giống tên của các doanh nghiệp uy tín.
Sau đó, sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và căn cước công dân của người đại diện pháp luật, là người được thuê để tiến hành đăng ký mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp bằng phương thức điện tử (eKYC).
Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và căn cước công dân của người đại diện pháp luật của một doanh nghiệp có tên gần giống với các doanh nghiệp lớn. Sau đó đăng ký mở tài khoản ngân hàng doanh nghiệp cũng bằng phương thức điện tử (eKYC).
Bên cạnh đó, việc mua được tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp trên các hội nhóm Facebook, Telegram cũng trở nên dễ dàng với giá từ 35 - 60 triệu đồng mỗi tài khoản, bao gồm đầy đủ hồ sơ doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, con dấu và căn cước công dân của người đại diện pháp luật.
Sau khi đã có trong tay những tài khoản giả dạng, các đối tượng xây dựng kịch bản nhằm dụ dỗ, “khủng bố” điện thoại, tiến hành các thủ đoạn thao túng tâm lý nhằm đưa “con mồi” vào nhóm kín trên ứng dụng Zalo, Telegram,… nơi các tài khoản tự xưng là giám đốc công ty hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng.
Thời gian đầu, ban đầu đối tượng gửi một khoản tiền nhỏ cho nạn nhân, gọi là tiền trúng thưởng hoặc khuyến mãi. Sau đó, chúng đề nghị nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định để "làm nhiệm vụ" hoặc "nâng cấp gói dịch vụ" nhằm nhận thêm các ưu đãi lớn hơn. Khi nạn nhân đầu tư với số tiền lớn hơn, chúng chiếm đoạt và chặn liên lạc.
Phát biểu mới đây của Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 22/8, nhận định tội phạm mạng có 3 đặc điểm dẫn đến khó phát hiện đó là khả năng hoạt động không biên giới, tính ẩn danh cao và đặc biệt là có trình độ công nghệ cao. "Hầu hết trên đời thực có gì, trên không gian mạng có cái đó, đời thực có một thì lên không gian mạng nhân lên nhiều lần", ông Quang nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng tội phạm công nghệ cao không chỉ riêng ở Việt Nam, mà là thách thức an ninh phi truyền thống mà các quốc gia đều phải đối mặt. Ông cho biết Việt Nam sẽ sớm tham gia ký kết Hiệp định tội phạm mạng quốc tế trong thời gian tới.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SIẾT CHẶT QUẢN LÝ TÀI KHOẢN DOANH NGHIỆP
Trước tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2024 quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán đối với khách hàng tổ chức.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương, nghiêm túc rà soát, kiểm tra, cập nhật thông tin hồ sơ mở tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức, đặc biệt là các tài khoản thanh toán mở từ tháng 6/2024 đến nay.
Cụ thể, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp (bao gồm cả trường hợp mở tại quầy và mở bằng phương tiện điện tử).
Đồng thời, yêu cầu các bên liên quan nghiên cứu có giải pháp để sớm triển khai các quy định tại Thông tư số 17 liên quan đến việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tổ chức như: ban hành quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho khách hàng là tổ chức theo quy định và các văn bản chỉ đạo.
Bên cạnh đó, triển khai áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức và các biện pháp đảm bảo việc sử dụng tài khoản thanh toán được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản; Triển khai áp dụng quy định chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán theo quy định tại Thông tư 17.
Theo các chuyên gia công nghệ, trước tình trạng lừa đảo nêu trên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cần quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc đến toàn bộ nhân viên trong toàn hệ thống và chịu trách nhiệm về những rủi ro phát sinh (nếu có) trong trường hợp không tuân thủ các quy định pháp luật, các văn bản chỉ đạo.
Gần đây, khi Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức phát hành thẻ siết chặt quản lý tài khoản cá nhân, các đối tượng đã có những động thái chuyển sang mua bán tài khoản doanh nghiệp (đặc biệt là tài khoản của doanh nghiệp siêu nhỏ) để phục vụ mục đích lừa đảo.
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo vô cùng tinh vi, liên tục thay đổi, bởi vậy, để có thể đối phó hiệu quả, cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống đặc biệt là hệ thống xác thực sinh trắc học, eKYC để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động gian lận, giả mạo khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác hậu kiểm việc mở tài khoản, thẻ ngân hàng qua eKYC; kết nối nền tảng trực tuyến hệ thống cơ sở dữ liệu cảnh báo danh sách tài khoản ngân hàng, ví điện tử liên quan đến hoạt đông vi phạm pháp luật của Bộ Công an để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn thu hồi tài sản cho khách hàng.