18:35 16/11/2011

Sắp mạnh tay tái cấu trúc công ty chứng khoán

Khánh Hà

Những bước đầu tiên của đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán sẽ được triển khai nhanh trong vài tháng tới

Thị phần nhỏ và sự cạnh tranh quá gay gắt đang khiến nhiều công ty chứng khoán gặp khó khăn và lâm vào tình trạng mất an toàn tài chính.
Thị phần nhỏ và sự cạnh tranh quá gay gắt đang khiến nhiều công ty chứng khoán gặp khó khăn và lâm vào tình trạng mất an toàn tài chính.
Những bước đầu tiên của đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán sẽ được triển khai nhanh trong vài tháng tới.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sáng 16/11 cho biết đề án đã hoàn thành và báo cáo Chính phủ thứ Sáu tuần trước. Tới đây, Ủy ban sẽ đẩy nhanh các bước triển khai và kể từ sau ngày 1/4/2012, sẽ thực thi một cách mạnh tay khi khung pháp lý chính thức có hiệu lực.

Nhu cầu tái cấu trúc khối công ty chứng khoán đã được đặt ra từ khá lâu, sau khi thị trường tài chính chao đảo bởi ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu. Với số lượng 105 công ty chứng khoán, khi thời kỳ đồng tiền dễ dãi qua đi, sự chật vật tồn tại theo đúng nghĩa đen khiến nhiều công ty âm cả vào vốn chủ sở hữu. Những yếu kém hiện đang bộc lộ rõ hơn khi thị trường chứng khoán trải qua năm thứ hai liên tiếp vật lộn trong khó khăn và sụt giảm.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô giao dịch và mức độ sôi động của thị trường ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của khối công ty chứng khoán. Chẳng hạn năm 2007, doanh thu và lợi nhuận sau thuế tính chung của khối công ty chứng khoán tăng vọt. Năm 2008, con số này đột ngột chuyển sang lỗ 1.000 tỷ đồng.

Năm 2009, thị trường chứng khoán được “hà hơi tiếp sức”, mức lãi tăng lên 3.000 tỷ đồng. Năm 2001 chỉ còn 1.800 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2011 mức lỗ tính chung là khoảng 2.000 tỷ đồng. Hiện tổng số công ty có lỗ lũy kế đã lên tới con số 71.

“Khi ban hành Thông tư 226 về chỉ tiêu an toàn tài chính, cơ quan quản lý thực chất đã bắt đầu đi vào câu chuyện tái cấu trúc công ty chứng khoán. Các công ty có khoảng thời gian 12 tháng để tự tính toán năng lực an toàn tài chính của mình và chỉ phải báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Trên cơ sở Thông tư 226, chúng tôi đã có sự phân loại và từ tháng 7 đã làm việc với 40 công ty để rà soát lại, nắm thực trạng tài chính. Gần đây nhất, sau khi có báo cáo soát xét bán niên, Ủy ban đã phân loại lần nữa và cử đoàn kiểm tra xuống 10 công ty để kiểm tra bước đầu”, ông Vũ Bằng cho biết.

Theo thông tin từ Ủy ban, việc kiểm tra được thực khá gắt gao. Với những công ty đã niêm yết, theo quy định báo cáo tài chính bán niên phải soát xét kiểm toán. Với các công ty chưa niêm yết, khả năng giám sát số liệu tương đối khó khăn. Do đó đoàn kiểm tra yêu cầu có kiểm toán và có giải trình số liệu, thậm chí có trường hợp yêu cầu kiểm toán lại.

Dự kiến ngay trong tuần này đại diện Ủy ban Chứng khoán sẽ họp với hội đồng quản trị và ban giám đốc của một số công ty chứng khoán yếu kém để biết rõ thực trạng của công ty. Biện pháp xử lý đầu tiên có thể là rút môi giới để bảo vệ khách hàng, nếu thời gian tới công ty chấp hành tốt thì có thể cho phép lại. Nếu tình trạng công ty vẫn không đảm bảo thì từ 1/4/2012 cơ quan quản lý có quyền đình chỉ nghiệp vụ.

Theo đề án, từ nay đến ngày 1/4/2012, cơ quan quản lý sẽ tập trung xử lý các công ty chứng khoán có rủi ro về an toàn tài chính theo cơ sở pháp lý hiện có. Từ sau 1/4/2012, nhóm công ty chứng khoán sẽ được phân loại tương đối “khốc liệt” theo chuẩn quy định tại Thông tư 226 và các biện pháp xử lý sẽ tương ứng với từng nhóm.

Giai đoạn phân nhóm sẽ tiến hành đến hết 2012. Dự kiến trong năm tới, một bộ tiêu chuẩn phân loại theo thông lệ quốc tế (CAMELS) sẽ được ban hành và sẽ thực hiện tái phân nhóm công ty chứng khoán chặt chẽ hơn nữa. Đây sẽ là áp lực lớn đối với các công ty chứng khoán, chuẩn bị cho giai đoạn tái cơ cấu thực hiện từ năm 2013.

Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là việc tái cơ cấu dựa trên sức khỏe tài chính của các công ty chứng khoán chứ không dựa trên quy mô lớn hay nhỏ. “Việc tái cơ cấu không phải ủng hộ công ty lớn mà trên cơ sở an toàn tài chính. Công ty lớn mất an toàn tài chính cũng phải xử lý. Thông lệ quốc tế là xử lý những công ty thiếu an toàn tài chính và hỗ trợ công ty đạt chuẩn an toàn”, ông Bằng nói.

Việc tái cơ cấu công ty chứng khoán tuy không gây ảnh hưởng lớn như tái cơ cấu ngân hàng, nhưng cũng có nhiều vướng mắc cần giải quyết giữa các thành phần: khách hàng của công ty, cổ đông và sự liên thông với ngân hàng (nếu có). Đa số công ty chứng khoán hiện tại được thành lập dưới dạng công ty cổ phần, do đó quyết định sáp nhập, giải thể, bán... là quyền của cổ đông.

“Ủy ban Chứng khoán sẽ kết hợp hai biện pháp: Biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế, trong đó chủ yếu là biện pháp kinh tế. Biện pháp hành chính được thực thi trên cơ sở các chỉ tiêu an toàn tài chính theo Thông tư 226. Khi đặt doanh nghiệp vào diện kiểm soát, doanh nghiệp sẽ phải lo tái cấu trúc như khoanh nợ, bán tài sản xấu, giảm rủi ro, thu hẹp hoạt động...”, đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết.

Một điểm mạnh tay nữa là tới đây, có thể quy định sẽ được sửa đổi, yêu cầu hàng quý các công ty chứng khoán phải thực hiện kiểm toán vì vẫn có hiện tượng bản thân công ty chứng khoán cũng chưa tuân thủ báo cáo chuẩn xác. Cơ quan quản lý đang cân nhắc khả năng công bố công khai thông tin nói trên mặc dù một số thị trường như Trung Quốc không yêu cầu công bố. Theo ý kiến của một quan chức của Ủy ban Chứng khoán, việc buộc công bố thông tin chưa rõ thị trường sẽ phản ứng ra sao, nhưng tốt nhất nên minh bạch.