08:04 26/10/2024

Sẽ hoàn thành quy hoạch hai tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc trong năm 2025

Đan Tiên

Trong năm 2025, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết các tuyến đường sắt liên vận kết nối với Trung Quốc làm cơ sở để đánh giá tính khả thi, xác định lộ trình đầu tư...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn tất báo cáo với Chính phủ về kế hoạch nghiên cứu quy hoạch hai tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối Trung Quốc.

Theo đó, tuyến Hà Nội - Lạng Sơn hiện có hai phương thức vận tải chính gồm đường bộ và đường sắt. Trong đó, vận tải hành khách chủ yếu thực hiện thuận lợi thông qua tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, quy mô 4-6 làn xe với tốc độ thiết kế 100-120km/h.

Song song đó là tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng hiện hữu có khổ lồng (khổ 1.000mm với khổ 1.435mm) để tàu hàng và tàu khách chạy từ ga Yên Viên (Hà Nội) có thể di chuyển đến ga Bắc Kinh Nam (Trung Quốc).

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, hiện tuyến đường sắt đang khai thác chỉ 3 đôi tàu/ngày đêm (tương đương khoảng 20% năng lực của tuyến) trong khi năng lực hạ tầng có thể khai thác được 15 đôi tàu/ngày đêm và cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đến sau năm 2030.

Theo quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, sau năm 2030 sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm dùng để vận chuyển hàng hóa và hành khách. Song song đó, dự báo nhu cầu vận tải hàng hoá bằng đường sắt đến năm 2050 là khoảng 9 triệu tấn hàng, trong khi vận tải hành khách có thể. đạt 7,5 triệu lượt.

Bên cạnh tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, trên tuyến Hạ Long - Móng Cái có hai phương thức vận tải đường bộ và đường thủy. Trong đó vận tải hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy nội địa và ven biển do chi phí thấp. Tuyến đường bộ cao tốc Hạ Long - Móng Cái mới đưa vào khai thác, quy mô 4 làn xe, có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2040.

Trên tuyến Hạ Long – Móng Cái dự kiến sẽ có ba phương thức vận tải đường biển, đường bộ và đường sắt. Để giảm chi phí, hàng hóa sẽ ưu tiên vận tải bằng đường biển, đường sông còn lại hành khách sẽ do đường bộ đảm nhận. Khi nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa liên vận quốc tế tăng cao sẽ đầu tư tuyến đường sắt.

Do đó, theo Bộ Giao thông Vận tải, việc cần làm hiện nay là triển khai lập quy hoạch chi tiết của hai tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái làm cơ sở để xác định hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án đầu tư.

Được biết, dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, chiều dài khoảng 156km; điểm đầu tại cửa khẩu Đồng Đăng, điểm cuối tại ga Yên Viên; kết nối Thủ đô Hà Nội với một số tỉnh phía Đông Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn) và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu liên vận quốc tế đường sắt - Đồng Đăng.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD, đồng thời sử dụng khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa. Ngoài ra, tốc độ tàu khách 160km/h và tàu hàng khoảng 120km/h.

Đối với dự án tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái có chiều dài khoảng 187km, thuộc tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định. Tuyến đường có điểm đầu tại ga Nam Đình Vũ (phường Hải An, thành phố Hải Phòng) và điểm cuối tại điểm nối ray gần khu vực cầu Bắc Luân (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Tuyến sẽ kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 7 tỷ USD với khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h.