Sinh viên trường nghề mới tốt nghiệp nhận lương 8 – 15 triệu đồng
Tính đến tháng 4/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đã hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí, đặt hàng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như tuyển dụng sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp với mức lương bình quân từ 8-15 triệu đồng…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Long Biên tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023, sáng 14/5.
Phát biểu khai mạc ngày hội, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp lao động cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngành nghề công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp công nghệ cao của thành phố.
Với mạng lưới 307 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, năm 2022 thành phố đã tuyển sinh đào tạo cho 252.286 lượt người, tăng 13,58% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ lao động qua đào đạt 72,23%; tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%.
Tính đến tháng 4/2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với 1.150 doanh nghiệp, tiếp nhận hơn 37.246 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; 218 doanh nghiệp tham gia giảng dạy; 81 doanh nghiệp hỗ trợ giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật hiện đại.
Cùng với đó, có 92 doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng kinh phí trên 7,2 tỷ đồng; 493 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với hơn 135.480 người; 519 doanh nghiệp tuyển dụng 65.381 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp với mức lương bình quân từ 8-15 triệu đồng; 31.207 học sinh, sinh viên mà doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đến thực hành thực tập được trả lương từ 4 - 7 triệu đồng/tháng…
Bà Bạch Liên Hương nhìn nhận, với vị thế là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của cả nước, thị trường lao động của Thủ đô luôn có nhu cầu cao với sự biến động mạnh mẽ.
Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, năm 2023 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là khoảng 200.000 chỉ tiêu. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 51%; nhóm ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 49%.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, thành phố đã tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm, thực hiện tư vấn về việc làm, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp và chính sách pháp luật lao động cho 16.481 lượt người lao động với 2.318 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, đã giải quyết việc làm cho trên 64.000 lao động, đạt hơn 39% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, tình hình bệnh dịch Covid-19 kéo dài trong những năm vừa qua đã tác động nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, lao động và việc làm. Đặc biệt là tình hình bất ổn về an ninh, lạm phát suy giảm kinh tế, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao ở nhiều lĩnh vực ở khu vực và thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và thành phố.
Một số doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất cũng có phần giảm các đơn hàng do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Các ngân hàng thắt chặt giải ngân, lãi suất tăng, do vậy trong 4 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, dẫn đến việc cắt giảm nhân công, giảm việc làm mới trong các tháng đầu năm 2023.
Xác định được tầm quan trọng và mang tính quyết định của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng, đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu và giải quyết tốt việc làm.
Vì vậy, theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, việc tổ chức ngày hội hôm nay là một trong nhiều biện pháp cụ thể nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người học và xã hội về giáo dục nghề nghiệp; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm giúp học sinh, sinh viên, người lao động chọn nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Thông qua đó, thúc đẩy và khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; đẩy mạnh gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại; kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ giải quyết sự thiếu hụt lao động, việc làm giữa các khu vực kinh tế và lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Về phía các doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lotte Property & Develepment Việt Nam Lee Sang Cheol đánh cao hoạt động ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.
Theo vị này, việc công ty ký kết hợp tác với trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được tham gia trải nghiệm thực tế trong giai đoạn học tập, rèn luyện thêm những kỹ năng thực hành, có thêm thu nhập để theo đuổi việc học tập. Còn phía doanh nghiệp cũng tuyển được những nhân sự chất lượng, phù hợp với yêu cầu của công việc, tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo lại.
Đại diện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia ngày hội, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức cho biết, hiện nay trên cả nước, với nhu cầu của gần 5.000 bệnh viện công và tư nhân, hơn 4.000 doanh nghiệp về trang thiết bị y tế, dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành y tế trong thời gian tới là rất cao. Theo dự tính khoảng 5 năm tới đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà sẽ tăng lên khoảng 38,1%.
Dự kiến nhân lực ngành Y tế Việt Nam cần bổ sung khoảng 55.000 bác sĩ, 10.000 dược sĩ, 83.000 điều dưỡng; 65.000 kỹ thuật viên y học. Theo ông Khánh, với tình trạng thừa thầy, thiếu thợ hiện nay thì việc các em học sinh, phụ huynh quan tâm tới các mã ngành khối sức khỏe và trang thiết bị y tế là lựa chọn khá phù hợp với định hướng tương lai.
Xác định được vấn đề này, nhà trường luôn đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện để sinh viên có điều kiện kết nối với thị trường lao động, do vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được các đơn vị sử dụng đánh giá tốt về kỹ năng và chuyên môn.
Ngày hội năm 2023 được tổ chức với quy mô khoảng 7.000 người; 51 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tham gia tư vấn tuyển sinh, trình diễn kỹ năng nghề tại 70 gian hàng; 30 doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho 1.150 doanh nghiệp đang có hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo tại ngày hội.
Các hoạt động chính như: Lễ ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, tham gia ngày hội, có gần 100 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với gần 6.000 chỉ tiêu lao động.