19:08 29/03/2024

Số lượng sáng chế của chủ thể Việt Nam chỉ bằng 1/7 so với chủ thể nước ngoài

Nhĩ Anh

Hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động (thông qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng và nhãn hiệu) nhưng chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ tại Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024, trong giai đoạn 10 năm qua (2014- 2023), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,8%/năm. Các chủ thể nước ngoài có tổng số đơn đăng ký sáng chế là 60.517 đơn, cao hơn gấp 7 lần so với chủ thể Việt Nam (7.560 đơn).

Cụ thể, năm 2014, số lượng đơn đăng ký của các chủ thể Việt Nam chỉ 487 nhưng của chủ thể nước ngoài là 3.960 đơn. Đến năm 2023, lượng đơn của chủ thể Việt Nam là 991, trong khi của các chủ thể nước ngoài là 8.469 đơn.

Tuy nhiên, tổng số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích trong 1 thập kỷ vừa qua của chủ thể Việt Nam lớn gấp hơn 1,3 lần so với đơn của chủ thể nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam là 12%/năm, cũng cao hơn so với tốc độ tăng của chủ thể nước ngoài (9,4%).

Số lượng sáng chế của chủ thể Việt Nam chỉ bằng 1/7 so với chủ thể nước ngoài - Ảnh 1

Về đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia đã nộp và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp giai đoạn 10 năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, giai đoạn từ 2014 đến 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của đơn đăng ký và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp của người nộp đơn Việt Nam lần lượt là 7,7%/năm và 7,2%/năm, cao hơn 32,7%/năm và 58%/năm so với tốc độ tăng đó của người nộp đơn nước ngoài.

Cụ thể trong 10 năm qua, tổng số đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp của người Việt Nam là 399.017 đơn, trong khi đó lượng đơn của người nước ngoài chỉ 83.803 đơn. Số lượng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp của chủ thể người Việt đạt 200.856 đơn và của chủ thể người nước ngoài là 56.908 đơn.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, so sánh với hai loại tài sản trí tuệ khác là sáng chế và giải pháp hữu ích, các chủ thể Việt Nam giành sự quan tâm nhiều hơn cho tài sản nhãn hiệu.

 
Số lượng đối tượng sở hữu trí tuệ chuyển giao (trong đó có sáng chế) quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trí tuệ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với đơn được nộp và các văn bằng bảo hộ được cấp. Điều này chứng tỏ hoạt động quản lý, khai thác tài sản trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng chưa thực sự hiệu quả.

Về đơn đăng ký chuyển giao quyền sử dụng và quyền sở hữu đã nộp giai đoạn 10 năm qua, từ 2014 đên năm 2023, số lượng đơn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là 1.805 đơn.

Còn số lượng đơn đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp là 11.757 đơn.

Số lượng đơn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong 10 năm qua, mỗi năm chỉ khoảng hơn 100 đơn đến 255 đơn, thậm chí có năm chỉ vài chục đơn (2021 chỉ 90 đơn và năm 2023 ước tính khoảng 96 đơn.

Như vậy, trong 10 năm qua, có tổng số 13.350 đơn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng và chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.

Nhận xét, đánh giá về thực tế hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; số lượng sáng chế chỉ bằng 1/7 so với chủ thể nước ngoài.

Điều đó cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động (thông qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng và nhãn hiệu) nhưng chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế.

Về số lượng đối tượng sở hữu trí tuệ chuyển giao (trong đó có sáng chế) quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trí tuệ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với đơn được nộp và các văn bằng bảo hộ được cấp. Điều này chứng tỏ hoạt động quản lý, khai thác tài sản trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng chưa thực sự hiệu quả.

Phân tích những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, theo Cục Sở hữu trí tuệ, do năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Nhiều kết quả nghiên cứu được tạo ra chưa gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp chưa được chặt chẽ; liên kết theo chuỗi giá trị giữa các tác nhân nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh còn yếu, Cục Sở hữu trí tuệ nêu.