20:25 29/01/2024

Số lượng đơn sáng chế, kiểu dáng công nghiệp tăng mạnh

Nhĩ Anh

Năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với 2022), trong đó gồm 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,5%)...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cục Sở hữu trí tuệ vừa cho biết trong năm 2023 đã tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022). Trong số đó có 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,5%) và 71.660 các loại đơn/yêu cầu khác (tăng 14,1%). Đặc biệt, trong năm qua, số đơn sáng chế tăng 10,6%, kiểu dáng công nghiệp tăng 11,8%.

Cục xử lý được 125.778 đơn các loại, trong đó có: 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 13,2% so với năm 2022) và 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%); cấp 36.977 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại (giảm 12,5% so với năm 2022).

Bên cạnh đó, phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội được Cục quan tâm, thúc đẩy triển khai trong năm 2023 với các nội dung chính là hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua việc cấp hơn 200 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 7 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Cục cũng tham gia triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2023 vẫn có những tồn tại, hạn chế khi kết quả xử lý đơn đơn sở hữu công nghiệp giảm 3,1%; tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có xu hướng tăng. Việc xây dựng các Quy chế thẩm định đơn triển khai chậm so với kế hoạch đề ra; hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu công việc; việc thiếu nhân lực và tài chính để thực hiện các nhiệm vụ được giao…

Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác xử lý đơn.

Xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2027 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; đảm bảo hoàn thành số lượng đơn sở hữu công nghiệp được giao xử lý trong kế hoạch năm 2024.

Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đăng ký sở hữu công nghiệp của các cá nhân, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài…