Số phận đường ống khí đốt Nord Stream 2 “ngàn cân treo sợi tóc” trong khủng hoảng Nga-Ukraine
Có trị giá 11 tỷ USD, Nord Stream 2 được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức. Đường ống này đã trở thành một “nạn nhân” của căng thẳng chính trị gia tăng giữa Nga và phương Tây. Ở thời điểm hiện tại, số phận của Nord Stream 2 đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết...
Đức ngày 22/2 tuyên bố tạm dừng quy trình phê chuẩn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 – dự án được xây dựng nhằm dẫn khí đốt thẳng từ Nga sang châu Âu. Động thái này của Berlin được đưa ra như một sự trừng phạt nhằm vào Moscow, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập và đưa lực lượng tới hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng nước này sẽ không chấp nhận việc Nga công nhận độc lập của hai nhà nước cộng hoà tự xưng ở Donetsk và Luhansk. Ông nói Đức cần phải đánh giá lại tình hình của Nord Stream 2, đồng thời cho biết đã yêu cầu Bộ Kinh tế Đức thực thi các biện pháp “nhằm đảm bảo rằng đường ống này không thể được phê chuẩn vào thời điểm hiện tại, và không có phê chuẩn thì Nord Stream 2 không thể đi vào hoạt động”.
“Bộ Kinh tế sẽ đưa ra một đánh giá mới về an ninh nguồn cung năng lượng của chúng ta trong bối cảnh những thay đổi đã diễn ra trong mấy ngày gần đây”, ông Scholz nói thêm.
Đức đã bị Mỹ và một số nước châu Âu chỉ trích là thiếu quyết đoán khi Nga có khả năng tấn công Ukraine, nhưng ông Scholz nói rằng châu Âu đang đối mặt với “thời khắc khó khăn”. “Sau khoảng 80 năm kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng ta có thể phải chứng kiến một cuộc chiến tranh mới ở Đông Âu. Nhiệm vụ của chúng ta là ngăn chặn một thảm hoạ như vậy và một lần nữa kêu gọi Nga đóng góp phần của họ vào nhiệm vụ này”, nhà lãnh đạo Đức phát biểu.
Có trị giá 11 tỷ USD, Nord Stream 2 được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức. Dự án này được hoàn tất vào năm ngoái, nhưng do chưa có sự phê chuẩn của cơ quan chức năng Đức, đường ống chưa thể đi vào hoạt động chính thức.
Vào ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ công nhận độc lập và tuyên bố đưa lực lượng “gìn giữ hoà bình” tới hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Luhansk. Phương Tây nói rằng Nga đang có hơn 150.000 quân tập trung gần khu vực biên giới Nga-Ukraine và có thể tấn công bất kỳ lúc nào. Về phần mình, Nga vẫn phủ nhận có bất kỳ kế hoạch nào như vậy.
Hình ảnh vệ tinh trong 24 giờ qua cho thấy nhiều lực lượng mới và thiết bị quân sự được triển khai ở phía Tây của Nga, cộng thêm hơn 100 xe quân sự tập trung tại một sân bay nhỏ ở miền Nam Belarus, nước có biên giới với Ukraine. Thời gian qua, Moscow vẫn nói việc triển khai lực lượng này chẳng qua là các cuộc diễn tập quân sự.
Các nỗ lực ngoại giao đang lâm vào bế tắc, khi cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng huỷ các cuộc gặp dự kiến với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Cùng với đó, Mỹ và châu Âu đồng loạt công bố những biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga.
Ukraine đã có nhiều nỗ lực để xích lại gần châu Âu trong những năm gần đây, mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, Nga muốn duy trì ảnh hưởng của mình với các nước Liên Xô cũ như Ukraine và Belarus. Mong muốn trái ngược của hai bên dẫn tới xung đột địa chính trị ngày càng nóng.
Căng thẳng leo thang đặt Đức vào một vị thế khó khăn hơn trong vấn đề Nord Stream 2. Từ lâu, Đức đã chịu sức ép lớn khi Mỹ luôn muốn dự án này bị huỷ bỏ hoặc bị trừng phạt thật nặng. Một số nước châu Âu, nhất là Ba Lan và Ukraine, kịch liệt phản đối Nord Stream 2 vì lo sợ Nga sẽ dùng đường ống này để củng cố vị thế thống trị trên thị trường năng lượng châu Âu.
Nếu Nord Stream 2 đi vào hoạt động, Ukraine có thể mất nhiều triệu USD tiền phí quá cảnh khí đốt thu được từ Nga. Hiện nay, một lượng lớn khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu đi qua các đường ống nằm trên lãnh thổ Ukraine. Về phần mình, Mỹ cũng muốn châu Âu giảm mua khí đốt Nga và thay vào đó tăng nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) từ Mỹ. Hiện nay, 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu được đáp ứng bởi Nga.
Đức vẫn khẳng định rằng Nord Stream 2 là một dự án thương mại đơn thuần. Tuy nhiên, đường ống này đã trở thành một “nạn nhân” của căng thẳng chính trị gia tăng giữa Nga và phương Tây. Ở thời điểm hiện tại, số phận của Nord Stream 2 đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Điện Kremlin bày tỏ hy vọng sự trì hoãn của Đức chỉ là tạm thời. Ông Putin Ngày 22/2 nói Nga “muốn tiếp tục cung cấp năng lượng không gián đoạn” cho thế giới.