08:39 22/02/2022

Nga công nhận độc lập 2 vùng ly khai của Ukraine, căng thẳng leo thang chóng mặt

An Huy

Diễn biến này đẩy cao cuộc khủng hoảng mà phương Tây lo ngại có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu...

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai của Ukraine ngày 21/2 - Ảnh: Sputnik/Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai của Ukraine ngày 21/2 - Ảnh: Sputnik/Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh triển khai lực lượng của Nga tới hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine sau khi công nhận độc lập đối với hai vùng này vào ngày 21/2. Diễn biến này đẩy cao cuộc khủng hoảng mà phương Tây lo ngại có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu.

Theo tin từ Reuters, một nhân chứng đã nhìn thấy những đoàn quân với trang thiết bị quân sự lớn bất thường di chuyển qua Donetsk, thành phố ly khai khỏi Ukraine. Trước đó, ông Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga đưa lực lượng tới hai vùng ly khai là Donetsk và Lugansk để “gìn giữ hoà bình”. Yêu cầu này của người đứng đầu điện Kremlin được đưa ra trong một sắc lệnh được công bố ngay sau khi ông tuyên bố công nhận độc lập của hai vùng này.

HÀNH ĐỘNG BẤT NGỜ VÀ CỨNG RẮN CỦA ÔNG PUTIN

Động thái của Nga ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Phương Tây cũng tuyên bố sẽ áp một loạt lệnh trừng phạt mới lên Nga, cho dù hiện chưa rõ liệu động thái của Nga có bị đối phương xem là mở màn cho một tấn công quân sự. Trước khi tuyên bố độc lập, hai vùng của Ukraine đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai được cho là có sự hậu thuẫn của Nga.

Hiện chưa có thông tin gì về quy mô của lực lượng mà ông Putin triển khai tới hai vùng trên, nhưng sắc lệnh nói Nga giờ đây có quyền xây dựng căn cứ quân sự ở hai vùng đó, và lực lượng được điều tới có sứ mệnh gìn giữ hoà bình.

Trong một bài phát biểu dài trên truyền hình, ông Putin không tiếc lời chỉ trích phương Tây và miêu tả Ukraine là một phần không thể tách rời của lịch sử Nga. Ông cũng nói miền Đông Ukraine là lãnh thổ Nga thời cổ và ông tin tưởng nhân dân Nga sẽ ủng hộ quyết định của ông.

Truyền hình quốc gia Nga phát bản tin cho thấy ông Putin - đứng bên là các thủ lĩnh ly khai đến từ miền Đông Ukraine - ký một sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng ly khai tự xưng là Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Cộng hoà Nhân dân Lugansk, đồng thời ký các thoả thuận hợp tác và hữu nghị với hai vùng này.

Bất chấp những lời cảnh báo của phương Tây, ông Putin trước đó đã tuyên bố về quyết định này của ông trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, và cả hai đều bày tỏ thất vọng – điện Kremlin cho hay.

Động thái của Nga có thể phá hỏng nỗ lực cuối cùng nhằm đi đến một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden để “tháo ngòi” khủng hoảng Nga-Ukraine. Đồng Rúp Nga mất giá chóng mặt trong lúc ông Putin phát biểu trên truyền hình, có lúc mất giá 2,7% so với đồng USD và giảm 2,6% so với đồng Euro. Thị trường chứng khoán Nga giảm hơn 10%.

Ông Biden ngay lập tức ký một sắc lệnh dừng tất cả các hoạt động kinh tế của Mỹ với Donetsk và Lugansk, và một lệnh cấm nhập khẩu tất cả hàng hoá và đầu tư từ hai vùng này. Nhà Trắng cho biết các biện pháp này nằm ngoài các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh dự kiến áp lên Nga nếu Nga tấn công Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói sắc lệnh mà ông Biden ký “nhằm ngăn chặn việc Nga trục lợi từ sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ họp khẩn về vấn đề Ukraine vào lúc 2h GMT ngày 22/2, theo đề nghị của Mỹ, Anh và Pháp.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp một gói giới hạn các biện pháp trừng phạt “nhằm vào những người chịu trách nhiệm” trong việc Nga công nhận các vùng ly khai. Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói Chính phủ nước này sẽ công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga trong ngày 22/2.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cáo buộc Nga “tìm cách tạo tiền đề” cho việc đưa quân sâu hơn vào Ukraine. Hồi năm 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea ly khai khỏi nước láng giềng này.

Trong bài phát biểu của mình, ông Putin nhắc đến lịch sử từ thời đế chế Ottoman cho tới căng thẳng gần đây do NATO mở rộng về phía Đông. Nhà lãnh đạo Nga từ lâu đã yêu cầu Ukraine từ bỏ mục tiêu dài hạn là gia nhập liên minh quân sự này, nhưng yêu cầu đó liên tục bị Kiyv và NATO khước từ.

GIẢI PHÁP NGOẠI GIAO TRỞ NÊN MỜ MỊT

Với quyết định công nhận hai vùng ly khai của Ukraine, ông Putin đã gạt phăng mọi cảnh báo của phương Tây.

“Tôi nhận thấy sự cần thiết phải đưa ra một quyết định lẽ ra phải có từ lâu. Đó là ngay lập tức công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Cộng hoà Nhân dân Luhansk”, ông nói.

Trước đó, ông Putin nói rằng “nếu Nga gia nhập NATO, đó sẽ là một mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh của nước Nga”.

Động thái của ông Putin sẽ khiến các lựa chọn ngoại giao để tránh một cuộc chiến tranh trở nên eo hẹp hơn, vì hành động đó là sự phủ nhận thẳng thừng một thoả thuận ngừng bắn cho miền Đông cho Ukraine. Thoả thuận này do Pháp và Đức đứng ra làm trung gian, đã tồn tại 7 năm và được xem là khuôn khổ cho các cuộc đàm phán trong tương lai về vấn đề Ukraine.

Ông Biden tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với chủ quyền của Ukraine trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ông cũng điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Vài giờ trước đó, ông Macron đã mở ra hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine khi tuyên bố rằng ông Putin và ông Biden đã nhất trí căn bản về việc có một cuộc gặp thượng đỉnh. Tuy nhiên, điện Kremlin nói chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho cuộc gặp như vậy. Nhà Trắng nói ông Biden đã chấp nhận cuộc gặp “về nguyên tắc” nhưng với điều kiện “không có hành động tấn công nào xảy ra”.

Washington cho rằng Nga đang tập trung khoảng 169.000-190.000 quân ở khu vực gần biên giới với Ukraine, bao gồm cả lực lượng ly khai ở Donetsk và Luhansk, và có thể tiến hành tấn công trong vòng vài ngày.

Thị trường tài chính châu Âu “đỏ lửa” trong phiên đêm qua. Chỉ số DAX của chứng khoán Đức sụt 2,1%; CAC của Pháp mất hơn 2%; FTSE của Anh giảm 0,4%.

CHỈ SỐ Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 2% khi vừa mở cửa sáng nay. Chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tổng thống (Presidents Day) ngày 21/2, nhưng chỉ số Dow Jones tương lai mất hơn 400 điểm – báo hiệu một phiên “sóng gió” vào ngày 22/2.