Mỹ và châu Âu áp loạt biện pháp trừng phạt mới lên Nga
Một chuyên gia nhận xét rằng các biện pháp trừng phạt mà ông Biden vừa công bố là “vụn vặt”...
Các nước phương Tây ngày 22/2 công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh đưa quân vào hai vùng ly khai của Ukraine. Phương Tây cũng cảnh báo sẽ trừng phạt khác nghiệt hơn nếu Moscow mở một cuộc tấn công toàn diện vào nước láng giềng này.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh tuyên bố nhằm vào các ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, trong khi Đức đình chỉ quy trình phê chuẩn đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 từ Nga. Trước đó, vào ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ công nhận độc lập của hai nước cộng hoà tự xưng ly khai khỏi Ukraine là Donetsk và Luhansk, đồng thời tuyên bố đưa lực lượng “gìn giữ hoà bình” tới hai vùng này.
Phương Tây nói rằng Nga đang có hơn 150.000 quân tập trung gần khu vực biên giới Nga-Ukraine và có thể tấn công bất kỳ lúc nào. Về phần mình, Nga vẫn phủ nhận có bất kỳ kế hoạch nào như vậy.
Hình ảnh vệ tinh trong 24 giờ qua cho thấy nhiều lực lượng mới và thiết bị quân sự được triển khai ở phía Tây của Nga, cộng thêm hơn 100 xe quân sự tập trung tại một sân bay nhỏ ở miền Nam Belarus, nước có biên giới với Ukraine. Thời gian qua, Moscow vẫn nói việc triển khai lực lượng này chẳng qua là các cuộc diễn tập quân sự.
Các nỗ lực ngoại giao đang lâm vào bế tắc, khi cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng huỷ các cuộc gặp dự kiến với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
“Nói một cách đơn giản, Nga vừa tuyên bố đã chiếm được một vùng lớn của Ukraine”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ngày 22/2. “Họ đang tạo ra một cái cớ để chiếm thêm lãnh thổ bằng vũ lực. Đây là sự khởi đầu cho một cuộc xâm lược của Nga”.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết sẽ đưa thêm lực lượng Mỹ tới các nước vùng Baltic để bảo vệ các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cũng khẳng định các biện pháp trừng phạt sẽ siết chặt hơn nữa nếu Nga “tiếp tục gây hấn”, cho biết sự trừng phạt vừa đưa ra mới chỉ là bước đầu.
Loạt biện pháp trừng phạt này chưa bao gồm những bước đi mạnh mẽ mà Mỹ và các nước đồng minh đã cảnh báo trước đó.
Ông Biden cho biết sẽ áp trừng phạt “toàn diện” lên những đợt phát hành mới của trái phiếu chính phủ Nga. “Điều đó đồng nghĩa loại Chính phủ Nga khỏi thị trường vốn phương Tây. Họ sẽ không thể huy động tiền từ phương Tây và không thể giao dịch trái phiếu mới của họ trên thị trường Mỹ hay châu Âu”.
“Trong ngắn hạn, việc này sẽ không có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga”, ông Clay Lowery, Phó chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nhận định về các biện pháp trừng phạt Mỹ mới áp lên Nga. “Nhưng trong dài hạn, sự trừng phạt này của Mỹ, kết hợp với của châu Âu, có thể cản trở tăng trưởng kinh tế Nga”.
Thay vì nhằm vào những ngân hàng lớn nhất của Nga, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, nhằm vào hai ngân hàng quốc doanh VEBRF và Promsvyazbank. Mỹ nói hai nhà băng này nắm hơn 80 tỷ USD tài sản và là nguồn cung cấp vốn cho lĩnh vực quốc phòng và phát triển kinh tế Nga.
Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ đóng băng tài sản của các ngân hàng trên, cấm cá nhân và tổ chức Mỹ hợp tác, loại hai ngân hàng khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, và cắt đứt khả năng tiếp cận với đồng USD của hai ngân hàng.
Ông Biden cho biết những nhân vật tinh hoa có liên hệ mật thiết với chính sách của điện Kremlin - gồm các ông Sergei Kiriyenko, Aleksandr Bortnikov,và CEO Petr Fradkov của Promsvyazbank – cùng người thân của họ sẽ bị chặn khỏi hệ thống tài chính Mỹ.
Ngoài ra, ông Biden cho biết Mỹ đang làm việc với Đức để đảm bảo rằng dự án Nord Stream 2 không thể tiếp tục triển khai.
“Trong lúc Nga đang toan tính hành động tiếp theo, chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho hành động tiếp theo của mình”, nhà lãnh đạo Mỹ nói. “Nga sẽ phải trả giá đắt hơn nếu tiếp tục gây hấn, bao gồm bị siết chặt trừng phạt”.
Ông Brian O’Toole, chuyên gia của Atlantic Council, nhận xét rằng các biện pháp trừng phạt mà ông Biden vừa công bố là “vụn vặt”. “Chúng ta cần phải chờ xem liệu Mỹ có đưa ra những biện pháp mà họ đã cam kết trong trường hợp Nga gây hấn thêm, và sự gây hấn thêm đó được định nghĩa như thế nào”, ông O’Toole phát biểu. “Tôi e rằng vào lúc này, ông Putin có thể đang nghĩ phương Tây chỉ nói chứ chẳng dám làm”.
Trước Mỹ, EU và Anh công bố một gói trừng phạt giới hạn đối với Nga, và Đức tuyên bố sẽ dừng phê chuẩn đường ống Nord Stream 2.
Đức là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, và quyết định của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về Nord Stream 2 – đường ống đã xây xong nhưng đang chờ phê chuẩn – được xem là một trong những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất mà châu Âu có thể đưa ra nhằm vào Nga.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đánh giá cao động thái của Đức. “Đây là một bước đi đúng đắn về mặt đạo đức, chính trị và thực tiễn trong bối cảnh hiện nay”, ông Kuleba nói. “Vai trò lãnh đạo thực sự đồng nghĩa với quyết định cứng rắn vào những thời điểm khó khăn. Động thái của Đức đã chứng minh cho điều đó”.
Điện Kremlin bày tỏ hy vọng sự trì hoãn của Đức chỉ là tạm thời. Ông Putin nói Nga “muốn tiếp tục cung cấp năng lượng không gián đoạn” cho thế giới.