19:43 22/02/2022

Vì sao Donetsk và Luhansk trở thành trung tâm trong kế hoạch của ông Putin về Ukraine?

An Huy

Những nét chính về Donetsk và Luhansk, cũng như vị trí của hai vùng ly khai này trong kế hoạch của ông Putin...

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại điện Kremlin ngày 21/2- Ảnh: Getty/Bloomberg.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại điện Kremlin ngày 21/2- Ảnh: Getty/Bloomberg.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 bất ngờ công nhận độc lập của hai vùng ly khai thuộc miền Đông của Ukraine là Donetsk và Luhansk, đồng thời tuyên bố cử “lực lượng gìn giữ hoà bình” tới hai vùng này.

Động thái trên của người đứng đầu điện Kremlin đẩy khủng hoảng địa chính trị Nga-Ukraine lên một ngưỡng mới, thu hẹp con đường đi đến giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Mỹ và châu Âu lo ngại rằng Moscow đang tiến tới giành quyền kiểm soát phần lãnh thổ vốn đang được quốc tế công nhận là của Ukraine.

Nga vẫn một mực phủ nhận cáo buộc của phương Tây cho rằng nước này đang có kế hoạch tấn công nước láng giềng. Ông Putin cũng nói Nga không hề có ý định sáp nhập Donetsk và Luhansk.

Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin Bloomberg, sắc lệnh mà ông Putin ký ngày 21/2 về hai vùng ly khai của Ukraine là động thái mới nhất trong kế hoạch mà ông đã triển khai 20 năm qua nhằm khôi phục ảnh hưởng của Nga đối với các nước láng giềng của Liên Xô cũ, để các nước này không xích lại gần hơn với phương Tây.

Bloomberg đã điểm qua những nét chính về Donetsk và Luhansk, cũng như vị trí của hai vùng ly khai này trong kế hoạch của ông Putin:

DONETSK VÀ LUHANSK NẰM Ở ĐÂU?

Hai vùng ly khai tự xung Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Cộng hoà Nhân dân Luhansk từng một thời là trung tâm công nghiệp của Ukraine và tương ứng thuộc hai tỉnh Donetsk và Luhansk. Đây là những tỉnh có phần đông dân số nói tiếng Nga nằm ở phía Đông Nam Ukraine.

Các lực lượng ly khai được cho là có sự hậu thuẫn của Nga đã giành quyền kiểm soát phần lãnh thổ nằm dọc theo biên giới giữa Nga với Ukraine sau khi chính quyền thân Nga ở Kyiv bị lật đổ vào năm 2014. Các sự kiện đó xảy ra đồng thời với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine cùng năm. Theo số liệu của Chính phủ Ukraine, các cuộc đụng độ giữa lực lượng ly khai với quân chính phủ ở Donetsk và Luhansk đến nay đã khiến khoảng 14.000 người thiệt mạng và hơn 1,4 triệu người mất nhà cửa.

Hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk nằm ở biên giới giữa Ukraine và Nga - Nguồn: Bloomberg.
Hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk nằm ở biên giới giữa Ukraine và Nga - Nguồn: Bloomberg.

Lực lượng ly khai kiểm soát khoảng 1/3 lãnh thổ của hai tỉnh Donetsk và Luhansk, lập nên hai nhà nước tự xưng là Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Cộng hoà Nhân dân Luhansk. Chưa có quốc gia nào công nhận hai nhà nước này cho tới khi Nga có động thái công nhận vào ngày 21/2. Nga được cho là đã hỗ trợ cho hai nước cộng hoà tự xưng này cả về tài chính và quân sự kể từ khi thành lập, đồng thời cấp hộ chiếu Nga cho hàng trăm nghìn người ở đó.

VÌ SAO DONETSK VÀ LUHANSK TRỞ THÀNH TÂM ĐIỂM?

Theo giới quan sát, Nga muốn Donetsk và Luhansk giành được quyền tự trị để hai vùng này có thể phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Kyiv nhằm xích lại gần hơn với phương Tây – khuynh hướng nhận được sự ủng hộ của phần đông dân số 41 triệu người Ukraine. Một sự phủ quyết như vậy đồng nghĩa với một cuộc “tự sát chính trị” đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người đang chật vật vực dậy tăng trưởng kinh tế và chống tham nhũng.

Ông Volodymyr nói với các nhà ngoại giao rằng Ukraine cần một “triển vọng rất rõ ràng” về khả năng trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói liên minh này tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của Ukraine nhằm trở thành một thành viên. Yêu cầu lớn nhất mà ông Putin đưa ra trong vấn đề Ukraine là nước này không bao giờ trở thành thành viên NATO.

Một thoả thuận ngừng bắn cho miền Đông Ukraine đã duy trì hơn 7 năm, nhưng luôn trong trạng thái mong manh, mỗi năm bị vi phạm tới hàng nghìn lần – theo các giám sát viên quốc tế. Với hàng trăm nghìn quân Nga đang tập trung ở khu vực biên giới giữa nước này với Ukraine hiện nay, xung đột âm ỉ bấy lâu nay rất dễ bùng nổ thành một cuộc xung đột quân sự trên diện rộng. Nga đã cấp hộ chiếu cho cư dân ở các vùng ly khai này, nên bất kỳ mối nguy nào đối với sinh mạng của họ cũng có thể trở thành cái cớ để Nga có hành động xa hơn.

VÌ SAO PHƯƠNG TÂY QUAN TÂM?

Nếu cảnh báo của Mỹ về một cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine trở thành hiện thực, đó sẽ là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, vượt qua cả căng thẳng sau khi Nga sáp nhập Crime và xung đột trước đó ở miền Đông Ukraine.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang hoàn tất một gói trừng phạt để áp lên Nga nếu nước này động binh. Các biện pháp có thể bao gồm trong gói trừng phạt này là nhằm vào các tỷ phú Nga, siết hạn chế đối với trái phiếu chính phủ Nga, loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, hoặc chặn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 giữa Nga và Đức.

Ngoài ra, phương Tây cũng đã rót nhiều tiền vào Ukraine và có nhiều lợi ích ở nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hỗ trợ Ukraine, Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp hàng tỷ USD vốn vay, và EU và Mỹ đã bảo lãnh nhiều khoản vay và viện trợ quân sự cho Ukraine.