S&P 500 tăng 4 tuần liên tiếp
Chỉ số S&P 500, thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall, đã trở lại trạng thái "thị trường bò", với mức tăng 20% so với đáy gần nhất...
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (9/6), đạt ngưỡng 4.300 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ báo cáo lạm phát và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tuần tới. Giá dầu thô giảm khá mạnh do các số liệu kinh tế Trung Quốc làm dấy lên mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,11%, chốt ở 4.298,86 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,16%, đạt 13.259,14 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 43,17 điểm, tương đương tăng 0,13%, đạt 33.876,78 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tiếp.
Cả tuần, S&P 500 tăng 0,39%. Đây là tuần tăng thứ tư liên tiếp của thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - một thành tích chưa từng được lặp lại kể từ tháng 8 năm ngoái. Nasdaq tăng 0,14% cả tuần, ghi nhận chuỗi 7 tuần đi lên không nghỉ, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2019. Trong khi đó, Dow Jones tăng 0,34% tuần này.
Nhà đầu tư ở Phố Wall đã lạc quan trước những dấu hiệu cho thấy một phần rộng lớn của thị trường chứng khoán, bao gồm cả những cổ phiếu vốn hoá nhỏ, đang tham gia vào đợt tăng điểm gần đây. Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hoá nhỏ giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng vẫn tăng 1,9% cả tuần.
“Đây là lần đầu tiên trong một khoảng thời gian đáng kể, nhà đầu dường như có một cảm giác chắc chắn hơn. Và chúng tôi cho rằng đó là một bước ngoặt từ tâm trạng thận trọng và bi quan trước đó”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nói với hãng tin CNBC.
Cùng quan điểm trên, ông Scott Ladner, Giám đốc đầu tư (CIO) của công ty Horizon Investments nhận định: “Chúng tôi cho rằng trong những tuần tiếp theo, câu chuyện sẽ ngày càng rõ ràng rằng nền kinh tế đang phục hồi tốt hơn so với những gì mọi người đã nghĩ trong 6 tháng qua. Đó sẽ là bình minh để mọi người thấy rằng các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và có tính chu kỳ cao có thể có cơ hội hợp lý để bắt kịp đà tăng của toàn thị trường”.
Tâm điểm chú ý đang hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được công bố vào ngày thứ Ba tuần tới và cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết định chính sách tiền tệ trong Fed - vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Theo công cụ CME FedWatch Tool, thị trường hiện đang dự đoán khả năng hơn 71% ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp này.
Được dẫn dắt bởi xu hướng tăng của chứng khoán Mỹ, chứng khoán thế giới lập đỉnh của 13 tháng trong phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số MSCI All Country World Index tăng 0,18%, đạt cao nhất kể từ tháng 5/2022. Cả tuần, chỉ số này tăng 0,6%.
“S&P 500 đã trở lại trạng thái thị trường đầu cơ giá lên (bull market, thị trường bò)”, chiến lược gia trưởng Arthur Hogan của công ty Briley Wealth nhấn mạnh, đề cập đến việc S&P 500 khi kết thúc phiên ngày thứ Năm đã tăng 20% so với mức đáy gần nhất thiết lập vào cuối năm ngoái. “Thứ duy nhất có thể gây đảo lộn ‘bữa tiệc’ này là một sự cứng rắn quá mức của Fed”.
Số liệu của Refinitiv cho thấy S&P 500 đã tăng 20% kể từ mức đáy đóng cửa vào hôm 11/10. Định nghĩa phổ biến nhất về thị trường giá lên là một đợt tăng 20% kể từ đáy; còn thị trường giá xuống (bear market, thị trường gấu) là một đợt giảm 20% từ đỉnh.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,17 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 74,79 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại Texas giảm 1,12 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 70,17 USD/thùng.
Trước đó, giá cả hai loại dầu đã cùng giảm khá mạnh trong phiên ngày thứ Năm sau khi có thông tin báo chí nói rằng Mỹ và Iran có thể sắp đạt một thoả thuận hạt nhân, trong đó Mỹ sẽ đổi việc nới hạn chế xuất khẩu dầu đối với Tehran lấy việc quốc gia vùng Vịnh này giảm bớt hoạt động làm giàu uranium. Thông tin này đã bị phía Mỹ lên tiếng bác bỏ, nhưng giá dầu vẫn đóng cửa trong trạng thái giảm.
Tính cả tuần, giá dầu giảm hơn 2%, bất chấp việc Saudi Arabia vào cuối tuần trước tuyên bố đơn phương cắt giảm sản lượng khai thác dầu thêm 1 triệu thùng/ngày, từ mức 10 triệu thùng/ngày vào tháng 5 xuống mức 9 triệu thùng/ngày vào tháng 7.
“Diễn biến giá dầu hôm thứ Năm tuần này cho thấy giá dầu mong manh như thế nào. Động thái giảm sản lượng của Saudi chỉ khiến giá dầu tăng nhẹ, rồi chỉ cần người ta nói đến chuyện nguồn cung dầu từ Iran có thể tăng là giá dầu đã giảm mạnh rồi. Các nhà đầu cơ dầu giá lên có lẽ sẽ còn đứng ngoài thị trường cho tới khi lượng dầu tồn kho giảm mạnh và rõ ràng hơn”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định.
Tâm lý của nhà đầu tư dầu lửa tuần này còn bị ảnh hưởng bởi số liệu thống kê cho thấy lượng tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng vượt dự báo và xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh hơn kỳ vọng. Theo một báo cáo khác từ Trung Quốc, giá hàng hoá tại cổng nhà máy ở nước này đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm vào tháng 5 và giảm nhanh hơn dự báo, do nhu cầu sụt giảm gây áp lực lên lĩnh vực sản xuất đang suy yếu và phủ bóng sự phục hồi mong manh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại công ty quản lý tài sản U.S. Bank Asset Management, nhận định với hãng tin Reuters: “Khi càng đi sâu hơn vào mùa cao điểm lái xe trong mùa hè ở bán cầu Bắc, nhu cầu sẽ là yếu tố chính để quyết định liệu mức dầu tồn kho hạn chế có đẩy giá tăng cao hơn, hay là nhu cầu yếu sẽ dẫn đến giá thấp hơn”.
Một số nhà phân tích kỳ vọng giá dầu sẽ tăng nếu Fed tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tuần tới. Họ cũng cho rằng quyết định của Fed có thể ảnh hưởng đến động thái tiếp theo của Saudi Arabia.
Nhà phân tích Craig Erlam của công ty dữ liệu OANDA nhận định: “Bất chấp Saudi Arabia giảm sản lượng, giá dầu vẫn ở mức dưới 80 USD/thùng. Điều này chắc chắn sẽ là một nỗi thất vọng đối với Riyadh. Điều gì xảy ra tiếp theo có thể phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát và các quyết định về lãi suất trong những tuần tới”.