07:56 09/06/2023

S&P 500 đóng cửa cao nhất từ đầu năm, dầu sụt giá sau tin về Iran

Bình Minh

Nhưng mức độ biến động của thị trường giảm xuống mức thấp kỷ lục trước thềm một tuần với nhiều số liệu kinh tế và sự kiện quan trọng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (8/6) nhờ sự đi lên của cổ phiếu công nghệ, nhưng mức độ biến động của thị trường giảm xuống mức thấp kỷ lục trước thềm một tuần với nhiều số liệu kinh tế và sự kiện quan trọng. Giá dầu thô giảm mạnh sau khi có tin nói rằng Iran và Mỹ có thể đạt một thoả thuận về xuất khẩu dầu.

Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX) - một thước đo nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall - giảm xuống mức thấp chưa từng thấy.

“Những gì chúng ta đang thực sự chứng kiến là sự lưỡng lự của nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Thực chất, nhà đầu tư không muốn làm gì vào lúc này”, Giám đốc đầu tư David Bianco của công ty quản lý tài sản DWS Group nhận định.

Nhận định của ông Bianco có thể được lý giải bởi việc nhà đầu tư muốn đứng ngoài thị trường trước khi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào ngày thứ Ba tuần tới và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Theo dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của tháng 5 giảm nhẹ nhưng CPI lõi vẫn cao dai dẳng. Báo cáo này có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng lãi suất Fed.

Trên thị trường phái sinh, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 73% Fed giữ nguyên lãi suất trong lần họp này - theo dữ liệu từ FedWatch Tool của CMEGroup. Tuy nhiên, khả năng Fed nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 là 50%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn thường diễn biến sát nút với các kỳ vọng về lãi suất ngắn hạn, đã giảm từ mức cao nhất trong 1 tuần thiết lập vào phiên trước, xuống mức 4,51%. Cú giảm này diễn ra sau khi báo cáo hàng tuần do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tăng lên - một dấu hiệu về sự suy yếu của thị trường việc làm.

Một trong những cổ phiếu dẫn dắt phiên tăng này của chứng khoán Mỹ là Amazon với mức tăng 2,49%. Nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác cũng tăng mạnh, như Nvidia, Apple và Tesla đồng loạt tăng từ 1,55-4,58%.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 168,59 điểm, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 33.833,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,62%, đạt 4.293,93 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,02%, đạt 13.238,52 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, tiêu dùng thiết yếu là nhóm tăng mạnh nhất, trong khi các nhóm bất động sản và năng lượng giảm mạnh hơn cả.

Mức điểm đóng cửa của S&P 500 phiên này là cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đang tiến tới hoàn tất tuần tăng thứ tư liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái, với mức tăng từ đầu tuần đến nay đã đạt 0,3%. Dow Jones đang tiến tới hoàn thành tuần tăng thứ hai liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 4, với mức tăng từ đầu tuần đạt 0,2%.

Trong khi đó, Nasdaq đang trên đà chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp, vì chỉ số đã giảm nhẹ trong tuần này.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,29% khi đóng cửa, chốt ở 75,96 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm tới 3 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,24 USD/thùng, tương đương giảm 1,71%, còn 71,29 USD/thùng.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh phiên này là thông tin nói rằng Mỹ và Iran có thể sắp đạt một thoả thuận xuất khẩu dầu. Nguồn thạo tin nói Tehran và Washington đang tiến gần đến một thoả thuận tạm thời mà theo đó, Mỹ sẽ nới một số biện pháp trừng phạt đối với quốc gia vùng Vịnh để đổi lấy việc Iran giảm hoạt động làm giàu uranium. Sau đó, Nhà Trắng đã lên tiếng bác bỏ, nhưng giá dầu vẫn đóng cửa trong trạng thái giảm.

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ hôm thứ Tư cho thấy lượng tồn kho xăng của nước này tăng mạnh hơn dự báo trong tuần trước, làm dấy lên mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, việc Fed được cho là còn phải tiếp tục tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát cũng gây áp lực giảm lên giá dầu.

Trong cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần trước, Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7. Tuy nhiên, động thái này dường như chưa tạo ra được một lực tăng bền vững cho giá dầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.