Startup công nghệ giáo dục Việt được rót thêm 6 triệu USD
Nguồn vốn đầu tư này sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm và đẩy mạnh việc khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để mang lại trải nghiệm học tập cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng học sinh...
Startup công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục (EdTech) VUIHOC vừa nhận được đầu tư 6 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do TNB Aura dẫn đầu.
Tham gia vòng gọi vốn còn có các nhà đầu tư tên tuổi bao gồm TKG Taekwang, IBK-STIC Pioneer Fund, cùng các nhà đầu tư vòng trước như Do Ventures, BAce Capital, và Vulpes Ventures do TNB Aura dẫn đầu.
Đại diện VUIHOC cho biết, với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, startup đặt mục tiêu tiếp tục tạo ra những tác động tích cực hơn nữa cho ngành giáo dục Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Với nguồn vốn mới, startup sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm và đẩy mạnh việc khai thác công nghệ AI để mang lại trải nghiệm học tập cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng học sinh.
Mục tiêu của startup này là đem lại cơ hội tiếp cận bình đẳng các sản phẩm giáo dục chất lượng cao cho học sinh trên khắp Việt Nam. Việc nâng cao sự bình đẳng trong giáo dục sẽ giúp các em có khả năng học tập tốt hơn, qua đó nâng cao triển vọng nghề nghiệp sau này. Cùng đó đem lại cho học sinh cơ hội học trực tiếp với các thầy cô nổi tiếng cùng nhiều giải pháp học tập mới mẻ và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng em.
Từ khi thành lập, startup này đã có những bước tiến trong phát triển sản phẩm sau từng cột mốc gọi vốn. Đáng chú ý, startup đã cho ra mắt mô hình lớp học livestream quy mô lớn nhằm tăng tính tương tác giữa giáo viên và học sinh, đồng thời nâng cao trải nghiệm học tập sinh động.
Trước đó, năm 2021, startup nhận vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures. Năm 2022, startup này tiếp tục huy động thành công 2 triệu USD từ quỹ đầu tư Bace Capital do Ant Group hậu thuẫn, cùng các nhà đầu tư khác như: Vulpes Ventures, DT & Investment, Colopl Next và Nextrans.
Mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, tác động tới nguồn vốn từ các quỹ rót vào khởi nghiệp nhưng lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech) tại Việt Nam vẫn thu hút đầu tư. Theo báo cáo đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023" trong nửa đầu 2023, số tiền đầu tư vào EdTech đã vượt qua con số 30 triệu USD của cả năm 2022.
Công nghệ giáo dục (Edtech) đang đón nhận sự quan tâm rót vốn của các nhà đầu tư quốc tế. Hồi tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Giáo dục Việt Nam EQuest đã huy động thành công 120 triệu USD vốn từ một đơn vị không được tiết lộ danh tính và nguồn vốn cổ phần từ nhà đầu tư hiện tại KKR thông qua Global Impact Fund.
Mới đây, Teky Alpha, một startup edtech tập trung vào việc cung cấp giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (STEAM) đã gọi vốn thành công 5 triệu USD từ công ty đầu tư Sweef Capital có trụ sở tại Singapore.
Trước đó, vào tháng 4, MindX- một startup edtech khác tại Việt Nam đã gọi vốn thành công 15 triệu USD, nâng tổng số vốn kêu gọi thành công qua các vòng gọi vốn lên 18,5 triệu USD.
Theo dữ liệu từ Statista, doanh thu từ thị trường dạy học trực tuyến tại Việt Nam vào năm 2023 có thể đạt mức 328,2 triệu USD. Doanh thu được dự đoán tăng trưởng đều trong giai đoạn 2023- 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,4%. Dự báo tới năm 2027, tổng doanh thu từ thị trường dạy học trực tuyến tại Việt Nam sẽ cán mốc 487,57 triệu USD.
Trong khi đó, báo cáo của Ken Research dự báo quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam sẽ cán mốc 3 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019- 2023. Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường edtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới với tỷ lệ khoảng 44,3%.