10:19 22/12/2024

Stockholm với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Tú Anh

Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính nhưng vẫn rất hiện đại. Không những vậy, Stockholm còn là một trong những thành phố đang dẫn đầu thế giới về việc ứng dụng các công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu...

Chính quyền thành phố Stockholm đã triển khai nhiều chính sách và dự án để xây dựng một thành phố xinh đẹp, phát triển bền vững. Các chính sách này tập trung vào ba vấn đề: Thành phố gắn kết về mặt xã hội với hệ thống phúc lợi mạnh mẽ và bình đẳng; Thành phố xanh không sử dụng nhiên liệu hoá thạch; Thành phó có nền kinh tế vững chắc, nơi giáo dục việc làm và nhà ở có sẵn cho tất cả mọi người.

TẬP TRUNG ĐẶT NỀN MÓNG CHO TƯƠNG LAI XANH

Vì thế, Stockholm luôn quan tâm đến giao thông công cộng xanh. Trong đó, tập trung đầu tư vào hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt điện và khuyến khích sử dụng xe đạp, nhằm giảm thiểu lượng khí thải từ phương tiện giao thông cá nhân.

Về sử dụng tài nguyên, năng lượng, Stockholm đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng năng lượng tái tạo, không sử dụng nhiên liệu hoá thạch đồng thời khuyến khích việc sử dụng các tài nguyên hiệu quả.

Người dân Thụy Điển sử dụng xe đạp như một trong những phương tiện thân thiện với môi trường .
Người dân Thụy Điển sử dụng xe đạp như một trong những phương tiện thân thiện với môi trường .

Về quản lý rác thải, thành phố triển khai các chương trình phân loại và tái chế rác thải, giảm thiểu lượng rác thải đưa ra bãi chôn lấp.

Về không gian xanh, Stockholm tăng cường diện tích không gian xanh, xây dựng các công viên và khu vườn đô thị, giúp cải thiện chất lượng không khí và làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

Đối với các dịch vụ hỗ trợ người dân, thành phố Stockholm cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ tài chính  để người dân đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng và phương tiện giao thông xanh.Tổ chức các chương trình giáo dục về môi trường và biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Khuyến khích người dân tham gia vào các cộng đồng năng lượng, cùng nhau sản xuất và tiêu thụ năng lượng sạch và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trung hòa carbon vào năm 2045.

 CÔNG NGHỆ BECCS VÀ MỤC TIÊU GIẢM LƯU LƯỢNG KHÍ THẢI NHÀ KÍNH

Với khẩu hiệu "Stockholm nên là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc giảm phát thải và là hình mẫu cho các quốc gia khác", Stockholm đặt ra kế hoạch đến năm 2030 giao thông trong thành phố sẽ không thải ra các chất gây ô nhiễm không khí như khí thải carbon dioxide( CO2), các loại khí độc hại và hạt bụi mịn…; mục tiêu giảm lưu lượng khí thải nhà kính, giảm lưu lượng giao thông; tái chế rác thải nhựa…

Đặc biệt, điều rất đáng quan tâm là việc Stockholm đã ứng dụng công nghệ BECCS (Bio-energy with Carbon Capture and Storage) sản xuất năng lượng sinh học kết hợp thu nạp và lưu trữ carbon. Đây là một công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trong khí quyển, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Người ta dùng nguyên liệu như chất thải  nông nghiệp, rác... để sản xuất ra năng lượng. Quá trình này có thể thông qua đốt cháy, lên men hoặc các phương pháp chuyển đổi sinh khối khác.Trong quá trình sản xuất năng lượng, carbon dioxide được tách ra khỏi khí thải và thu giữ lại.

Carbon dioxide đã được thu giữ sẽ được vận chuyển đến các địa điểm lưu trữ an toàn, thường là các tầng địa chất sâu dưới lòng đất. Công nghệ BECCS không chỉ giảm thiểu lượng khí thải carbon mà còn giúp loại bỏ carbon dioxide ra khỏi khí quyển, tạo ra hiệu ứng "phát thải âm". Nguồn năng lượng sinh học tái tạo này có thể được sản xuất liên tục và được dùng để sưởi ấm tập trung (District heating), 80% các toà nhà ở Stockholm được kết nối cung cấp nhiệt nhờ năng lượng tái tạo với công nghệ BECCS. Năng lượng sinh học này còn có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác như sản xuất điện…

Dự án thu hồi carbon mang tên Stockholm Exergi (Nguồn: Stockholm Exergi) 
Dự án thu hồi carbon mang tên Stockholm Exergi (Nguồn: Stockholm Exergi) 

Với những lợi thế về tài nguyên sinh khối và kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Stockholm đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc triển khai công nghệ này.

Việt Nam đã cam kết cùng 150 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính năm 2030. Chuyển đổi xanh đang trở thành một cuộc đua ở quy mô toàn cầu nên việc tìm hiểu công nghệ và kinh nghiệm từ các nước đi trước là điều rất quan trọng.