Tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu, doanh nghiệp sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới
Các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, huy động nguồn vốn, công nghệ từ các Quỹ đầu tư, các định chế tài chính để phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, khí hậu…
Tại “Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2022 (VCSF 2022) với chủ đề: Chuyển đổi, tăng tốc, bứt phá – doanh nghiệp bền vững, quốc gia thịnh vượng”, ngày 01/12, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết theo đánh giá của Liên hợp quốc, nhân loại đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là: Biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học.
HAI LỘ TRÌNH ÁP DỤNG MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trong 3 thách thức đó, theo báo cáo “Đánh giá rủi ro toàn cầu” do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố đầu năm 2022, nguy cơ biến đổi khí hậu là cấp bách và nghiêm trọng nhất.
Mỗi năm, trên thế giới, ước tính có trên 20 triệu người mất đi chỗ ở và sinh kế do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 100 triệu người dân Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu, đối mặt với những hiểm hoạ, đặc biệt là dọc theo các vùng trũng ven biển và đồng bằng ven sông rộng lớn của đất nước do mực nước biển dâng cao, bão và lũ lụt.
Những tháng vừa qua, nước ta đã phải gồng mình khắc phục hậu quả của bão lũ ở vùng núi phía Bắc và Trung Bộ, ngập lụt, triều cường tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, khô hạn ở Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, sạt lở, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long...
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường), dẫn số liệu, hàng triệu người dân tại các khu vực dọc theo vùng ven biển và đồng bằng ven sông tại Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới 1 triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.
Trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh trên thế giới. Do đó, yêu cầu cấp bách hiện nay là Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế trung hòa carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường góp phần đạt mục tiêu là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Để chủ động phòng và ứng phó với những xu hướng này, ông Phạm Tấn Công cho biết Chính phủ đã xác định Việt Nam ưu tiên áp dụng mô hình phát triển bền vững dựa trên xây dựng đồng thời 2 lộ trình: Thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu, giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử carbon trong quá trình tăng trưởng.
Việc thực hiện cắt giảm lượng phát thải carbon theo lộ trình phù hợp và hướng nền kinh tế theo hướng giảm dần các nguồn năng lượng thâm dụng carbon, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 năm 2021.
CƠ HỘI ĐỂ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN KINH DOANH THEO HƯỚNG XANH
Người đứng đầu VCCI cũng nhấn mạnh phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp phải được xây dựng dựa trên các trụ cột kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường (EESG).
Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững. Những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với môi trường đang chứng tỏ là những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chống chịu cao, bền vững đối với các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại.
Các giá trị của phát triển doanh nghiệp bền vững này cần phải được định hình và xây dựng dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp. Đó chính là đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh.
"Đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh có ý nghĩa trực tiếp đối với từng doanh nhân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Đạo đức, văn hoá kinh doanh vừa tạo ra nội lực và năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, vừa là nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, Chủ tịch VCCI kêu gọi các doanh nghiệp hãy chọn lựa mô hình và mục tiêu phát triển bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ.
Cho rằng doanh nghiệp có nhiều cơ hội trong xây dựng nền kinh tế trung hòa carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Quang chỉ rõ, doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới; có cơ hội tham gia thị trường carbon.
Các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, huy động nguồn vốn, công nghệ từ các Quỹ đầu tư, các định chế tài chính để phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, khí hậu.
Hiện nay, một số nhà tài trợ song phương và đa phương đang tiếp cận và đã cam kết hỗ trợ Việt Nam để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt là các cam kết toàn cầu về nguồn tài chính cho giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu đã đạt được về nguyên tắc tại Hội nghị COP27 vừa được tổ chức tại Ai Cập tháng 11/2022.
Đây sẽ là nguồn hỗ trợ quan trọng về công nghệ, tài chính, năng lực quản lý để giúp cộng đồng doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi xanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời nâng cao tính chống chịu và giảm thiểu tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.