15:00 12/04/2022

“Tàu cá 67” mắc kẹt lớn, cần sớm sửa đổi 7 chính sách

Chu Khôi

Nghị định số 67/2014/CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu đến nay đã không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Trái lại, hiện nay hàng trăm chủ tàu nằm trong danh sách được vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép đang rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần, thậm chí phải hầu tòa…

Chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.

Theo quy định tại Nghị định 67, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư, thời hạn vay tới 11 năm với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu chỉ phải trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Tuy nhiên, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của Chương trình cho vay hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 đã lên đến 62,7%. 

CHỦ TÀU NỢ CHỒNG CHẤT, VƯỚNG VÒNG LAO LÝ

Nghị định 67 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản, giảm số lượng tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, nhằm tránh nguy cơ cạn kiệt trữ lượng hải sản gần bờ.

Thế nhưng đến nay, hàng trăm chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 phải lâm cảnh nợ nần chồng chất không thể trả được nợ, nhiều ngư dân đã bị khởi kiện đòi nợ.

Điển hình như ông Đỗ Ngọc Tín (phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), năm 2017, được chi nhánh Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Phú Yên cho vay 18,5 tỷ đồng để đóng mới tàu cá vỏ thép. Thế nhưng, sau 5 năm vươn khơi xa không hiệu quả, ông Tín phải đối mặt với khoản nợ lãi vay tăng dần, đến mức mất khả năng thanh toán và kết cục ngân hàng khởi kiện ra tòa.

Theo Quyết định số 04/2021 ngày 7/6/2021 của Tòa án thành phố Tuy Hòa, tính đến cuối tháng 5/2021, vợ chồng ông Tín phải trả cho BIDV hơn 19 tỷ đồng tiền gốc và lãi. Do vợ chồng ông Tín không trả được nợ trước ngày 25/12/2021 như đã thỏa thuận, ngày 24/3/2022, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tuy Hòa tiến hành xác minh để xử lý tài sản thế chấp là tàu cá PY-99993 TS và thửa đất 151m2.

 

Cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát tương tự, tại Đà Nẵng có 7 con tàu đóng mới theo vốn vay ưu đãi từ Nghị định 67, trong đó 6 ngư dân được chọn vay vốn đều là những người giỏi nghề, nhiều năm lăn lộn ở ngư trường Hoàng Sa. Nhưng hiện cả 7 tàu đều “đắp chiếu” nhiều năm. Cả người vay lẫn chủ nợ đều chờ ngày dắt nhau ra tòa vì tàu làm ăn không hiệu quả.

Một ví dụ khác, ngư dân Phạm Tri Thức (xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi) là nông dân sản xuất giỏi, nhận gần 100 bằng khen, giấy khen... từ Trung ương đến địa phương. Ông Thức cũng là chủ của ba con tàu gỗ với hai lần nhận huy chương vàng Thủy sản Việt Nam. Năm 2014 khi Nghị định 67 ra đời, ông là người tiên phong ở xã Tịnh Kỳ đóng tàu vỏ thép.

Cuối năm 2016 tàu thép QNg 91999 hạ thủy. Thế nhưng đến cuối năm 2018, ngân hàng đã khởi kiện ông Thức ra tòa vì mất khả năng chi trả, tàu neo bờ từ đó. Năm 2021, con tàu có tổng vốn 16,6 tỷ đồng (ngân hàng cho vay 15,8 tỷ đồng, ông Thức đối ứng 800 triệu đồng) đã bị bán đấu giá chưa đến 2 tỷ đồng.

Ông Thức nghẹn ngào kể lại: “Để đánh bắt trên tàu vỏ thép, tôi phải cầm cố nhà, bán ba con tàu vỏ gỗ để bọc inox thân tàu, lắp ráp máy sản xuất nước biển thành nước đá và máy lọc nước biển thành nước ngọt... Bao kỳ vọng, thế nhưng đến giờ là hối hận. Cơ quan thi hành án đã bán đấu giá căn nhà, gia đình tôi trở thành người vô gia cư”.

NGHỊ ĐỊNH MỚI CẦN TRÁNH "VẾT XE ĐỔ"

Trước những thực tế này, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải tổ chức cuộc họp xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 67 nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay, hạn chế tổn thất, rủi ro cho người dân và các ngân hàng cho vay, đảm bảo hiệu quả các chính sách ban hành.

Sau khi rà soát Nghị định 67, Tổng cục Thủy sản đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 chính sách lớn liên quan đến đầu tư; chủ tàu; hỗ trợ một lần sau đầu tư; bảo hiểm; đào tạo; hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép; bổ sung chính sách hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo đó, nghị định mới cần tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, cần sửa đổi chính sách chuyển đổi chủ tàu, tháo gỡ khoản vay nợ xấu. Cho phép chuyển đổi chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới, nâng cấp nhưng không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới cần tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.

Nghị định mới cũng cần quy định các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng để thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động, sản xuất, trả nợ vốn vay. Bên cạnh đó, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên làm việc trên tàu cá và 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu từ 15m trở lên.

Nhận định về hiệu quả của Nghị định 67, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng còn nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu từ thực tiễn. Điển hình như việc để có thể đóng 1.117 tàu cá (đóng mới 1.031 tàu, sửa chữa 146 tàu) theo Nghị định 67, nguồn vốn vay là 11.700 tỷ đồng, thế nhưng mới giải ngân được 2.180 tỷ đồng, còn lại 9.500 tỷ đồng.

 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành thủy sản là khoảng 13.600 tỷ đồng. Dự kiến, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 là 23.000 tỷ đồng.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Vì thế, khi xây dựng chính sách mới, chúng ta cần phải tự đặt ra câu hỏi: Khi đầu tư như này sẽ thu lại cái gì? Tránh để xảy ra tình trạng lại phải có thêm một nghị định khác sửa chữa, khắc phục hay thay thế nghị định mới này. Nghị định 67 là một dẫn chứng điển hình”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ và nhấn mạnh: “Nghị định mới của ngành thủy sản không phải để sửa đổi một số điều trong Nghị định 67 mà phải là nghị định thay thế. Đó phải là một nghị định mang tính chất toàn diện trên tinh thần kế thừa Nghị định 67”.

Tổng nhu cầu nguồn lực đầu tư để ngành Thủy sản thực hiện các chính sách theo nghị định mới phải đảm bảo hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2030, quy hoạch bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, các chương trình quốc gia. Tổng kinh phí các chương trình, đề án phát triển lĩnh vực thủy sản đến năm 2030 ước khoảng 46.000 tỷ đồng.

 
 
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Những vấn đề của Nghị định số 67 đã bộc lộ  những vướng mắc trong xây dựng cơ chế, chính sách. Đó là bài học kinh nghiệm quý giá để xây dựng nghị định mới cho ngành thủy sản. Mọi chiến lược sẽ khó thành công nếu chúng ta không biết ngư dân đang nghĩ gì, đang thiếu gì và đang cần gì. Mục tiêu của chúng ta không phải là giải ngân, mục tiêu là phải làm sao để đồng vốn phát huy được hiệu quả. Do đó, nghị định mới của ngành thủy sản, đánh bắt cũng phải dựa trên tư tưởng xuyên suốt này.

Nghị định mới của ngành thủy sản cần phải quan tâm hơn đến công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người ngư dân. Bởi từ trước đến nay chúng ta mới chỉ đào tạo khâu kỹ thuật như sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… cho người dân mà không dạy những vấn đề quan trọng khác như cách tư duy, cách tìm hiểu thị trường… Cần phải đào tạo cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp tại các địa phương. Bởi từ trước đến nay, họ mở nghị định ra để làm chứ chưa hiểu hết ý nghĩa, chức năng, vai trò, thậm chí là những rủi ro khi đội ngũ đó chính là xương sống của ngành nông nghiệp ở cơ sở. Họ là những người hàng ngày, hàng giờ sâu sát với thực tế, với đối tượng thụ hưởng chính sách nên phải là người am hiểu nhất.