13:20 23/10/2021

Hơn 43 nghìn tàu cá phải tạm nằm bờ, ngừng hoạt động

Chu Khôi

Cả nước có gần 95.000 tàu đánh cá, thì trong 3 tháng gần đây đã có 43.200 tàu không đi khai thác, khiến sản lượng hải sản khai thác trong quý 3 giảm 186.000 tấn so với cùng kỳ năm trước…

Quanh cảnh hội nghị
Quanh cảnh hội nghị

Vấn đề này được Tổng cục Thủy sản thông tin tại hội nghị trực tuyến “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch Covid-19” do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì ngày 22/10/2021.

NHIỀU CẢNG CÁ TẠM NGỪNG HOẠT ĐỘNG

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản, cho biết tổng sản lượng khai thác thủy sản biển trong 9 tháng ước đạt 2,917 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%, sản lượng khai thác ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, trong 3 tháng gần đây nhất, đã có 43.200 tàu không đi khai thác, khiến sản lượng khai thác trong quý 3 giảm 186.000 tấn. Tình trạng này tập trung nhiều ở Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà, Trà Vinh...

Đề cập về hệ thống cảng cá, ông Hùng cho hay, thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19, nhiều cảng cá phải đóng cửa. Đến ngày 22/10 vẫn còn 4 cảng cá tiếp tục thực hiện giãn cách hoặc tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch ở các nơi gồm: Nghệ An, Khánh Hoà, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng hoạt động khai thác hải sản vẫn đối mặt với khó khăn do nguồn nguyên liệu chưa phục hồi hoàn toàn, giá vật tư đầu vào tăng cao. "Cùng với tác động của dịch Covid-19, số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá càng khan hiếm, gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản ở nhiều địa phương. Số lượng lao động làm việc trên tàu cá được tiêm 1 mũi vaccine phòng chống dịch Covid-19 đến nay còn thấp, ước đạt khoảng 25%", ông Hùng chia sẻ.

 
Năm 2021 là một năm ghi nhận giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây, trong đó giá dầu Diesel tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thuỷ sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15-20% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho hay, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cảng cá, với năng lượng bốc dỡ hàng hóa theo thiết kế  159.000 tấn hàng hóa/năm. Trong 9 tháng đầu năm, với việc đóng cửa tạm thời 2 cảng cá trọng điểm của tỉnh để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cảng.

Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, có khoảng 39% cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch theo phương án “3 tại chỗ”; 16% cơ sở chỉ thực hiện thu mua, bảo quản nguyên liệu và 40% cơ sở còn lại hoạt động cầm chừng với năng suất từ 30-50% so với bình thường; lưu trữ sản phẩm khó khăn do chi phí cấp đông và thuê kho lưu trữ cao (khoảng 6.000 đồng/kg nguyên liệu).

Đầu tháng 10/2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Bình Thuận, khiến Cảng cá Phan Thiết tạm dừng hoạt động từ ngày 4/10 đến nay. Trong số 97 Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/1.880 lao động trong khu vực cảng thì có 85 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/1.352 lao động phải tạm dừng hoạt động.

CẦN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯ DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Để duy trì ổn định hoạt động sản xuất thủy sản, đại diện Bình Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản, tàu cá nghề dịch vụ thủy sản; chỉ đạo các ngành ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại có giải pháp hỗ trợ vay vốn tín dụng, gia hạn nợ để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản. Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các ngư dân, lao động biển bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để ổn định cuộc sống.

Thông tin về thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2021, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho hay nhu cầu tiêu dùng thủy sản của Mỹ, EU hồi phục nhanh từ tháng 3/2021 sau chiến dịch tiêm vắc xin. “Nhu cầu của Australia và Nga tăng vì Covid làm giảm sản lượng nội địa. Trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc giảm, việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra nhập khẩu với lý do sợ Covid cũng làm giảm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam nêu lên nhiều khó khăn và ngành thủy sản đang phải đối đầu: dịch Covid đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, chi phí tăng, cước vận tải biển tăng 8-10 lần, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ, nhập khẩu nguyên liệu khó khăn do Covid và do thủ tục.

Đại diện VASEP đưa ra dự báo: Từ nay đến cuối năm, sản xuất và xuất khẩu hồi phục chậm vì các doanh nghiệp thiếu vốn, vừa sản xuất vừa phòng chống dịch nên chưa thể hồi phục công suất 100%.

Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào thực hiện hiệu quả và thực tế các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động để họ yên tâm quay lại sản xuất. Cần triển khai nhanh chóng tiêm vắcxin cho người lao động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp doạnh nghiệp phục hồi sản xuất. Cần có cơ chế bình ổn giá, chi phí đầu vào sản xuất, tạo điều kiện để phục hồi và ổn định nguồn nguyên liệu từ khai thác và nhập khẩu để gia tăng sản xuất xuất khẩu. Phải quyết liệt ngăn chặn hoạt động khai thác bất hợp pháp, nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương sắp xếp, tổ chức linh hoạt công tác neo đậu tàu, bốc dỡ sản phẩm đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, không để ứ đọng tại cảng. Đảm bảo công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng. Tổ chức xét nghiệm dịch bệnh khoa học, tin cậy, tránh lãng phí không cần thiết hoặc làm tăng chi phí cho thuyền viên và người lao động tại cảng. 

“Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, thì trong Quý 4/2021, ngành thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động và ngư dân, đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.