13:16 01/04/2024

Thả 5 triệu con giống thủy sản xuống biển Vân Đồn

Chu Khôi

Khoảng 5 triệu con giống thủy sản đã được thả xuống Vịnh Bắc bộ, trong đó có 4,9 triệu tôm sú và hơn 10 vạn cá vược, cá chẽm. Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản này đã khẳng định cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đại biểu thả con giống thủy sản xuống biển. Ảnh: Chu Khôi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đại biểu thả con giống thủy sản xuống biển. Ảnh: Chu Khôi.

Phát biểu tại lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày 31/3/2024, Bộ trưởng Bộ Nộng nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Hoạt động ý nghĩa này được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ nhằm góp phần quan trọng trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm".

Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức, tại bãi biển Phương Đông, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

BẢO TỒN, GÌN GIỮ CÂN BẰNG HỆ SINH THÁI

Đây là một trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4) và 10 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư. Tại đây, 5 triệu con giống được thả xuống Vịnh Bắc bộ, trong đó có 4,9 triệu tôm sú và hơn 10 vạn cá vược, cá chẽm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản này đã khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển". Ảnh: Chu Khôi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản này đã khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển". Ảnh: Chu Khôi.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản này đã khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo hài hòa sinh kế của người dân. Hoạt động ý nghĩa này được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ nhằm góp phần quan trọng trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

“Việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản cần gắn với việc gìn giữ môi trường sống xanh, sạch của sông, của biển. Thả cá xuống biển, đưa rác thải nhựa lên", cần là thông điệp hành động của tất cả chúng ta", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị thời gian sắp tới, các cơ quan quản lý chuyên ngành ở Trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hiểu biết pháp luật của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ngư dân và vai trò của cộng đồng dân cư, trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh bảo tồn, tái tạo các loài thủy sản bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế, đa dạng sinh học, góp phần phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm, nhất là trước tình trạng khai thác quá mức, sử dụng các ngư cụ có kích cỡ mắt lưới nhỏ hơn quy định, khai thác bằng các phương thức có tính hủy diệt, ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh việc các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản. "Hơn hết, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội hãy chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững.", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ thông điệp.

"Cùng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền và toàn thể người dân, nguồn lợi thủy sản trên cả nước sẽ được phục hồi và phát triển. Rồi biển sẽ sạch hơn, sẽ toát lên vẻ đẹp kỳ thú, vĩnh hằng của thiên nhiên bao la. Khi ấy mỗi người càng có tình yêu biển, yêu đại dương, yêu môi trường thiên nhiên, và tình yêu, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước", Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng.

VẪN CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG NUÔI BIỂN

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có chuyến thăm đảo Cô Tô, tìm hiểu về các hoạt động nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch cộng đồng tại hòn đảo tiền tiêu này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Chủ tịch UBNB tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy và gần 200 đại biểu cũng đã đến thăm khu vực lồng bè nuôi biển Công ty STP tại đảo Phất Cờ (huyện đảo Vân Đồn).

Ngay trên khu vực lồng bè của Công ty STP, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng đại diện 20 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh thực hiện buổi tọa đàm về vấn đề phát triển thủy sản bền vững.

Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Chu Khôi.
Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Chu Khôi.

Tại buổi tọa đàm, ông Cao Tường Huy cho biết trong những năm vừa qua, ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh luôn có vị trí vai trò quan trọng và đóng góp trên 55% giá trị sản xuất trong cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Thực hiện chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành các chính sách nhằm tạo nền tảng từng bước thúc đẩy ngành thủy sản địa phương phát triển theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

 

"Sản lượng thủy sản của Quảng Ninh tăng từ 89.000 tấn năm 2013 lên hơn 175.000 tấn vào năm 2023; tổng diện tích nuôi trồng đạt hơn 32.000ha, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cũng tăng về quy mô, sản lượng..."

Chủ tịch UBNB tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy.

Tuy nhiên, chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đi tìm kiếm sự phối hợp, liên kết với các hợp tác xã, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc STP cho biết 7 năm qua, STP vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, đó là một hành trình dài, vất vả.

"Chính quyền địa phương cần hỗ trợ phối hợp giữa doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã", bà Bình đề nghị, đồng thời cũng đề xuất tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch đối với sản phẩm rong sụn để nuôi biển theo hướng đa giá trị.

Bà Ngô Thị Vui, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trai Đảo Ngọc (Quảng Ninh) cũng bày tỏ mong muốn có quy hoạch riêng vùng nước cho con trai lấy ngọc bởi đây là giống nuôi nên cần có môi trường biển an toàn, trong sạch không giống như các con khác bởi nó kén nước.

Kiến nghị với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về những khó khăn của người nuôi biển trên vùng biển hở, ông Nguyễn Bá Ngọc, đại diện Công ty Mực nhảy Biển Đông, cho biết ngoài rào cản về cơ chế chính sách, có những giấy phép phải xin ý kiến của trên 6 bộ ngành vẫn chưa ra được giấy phép cấp phép mặt nước, còn có khó khăn về ranh giới giữa các hộ khai thác thủy sản và các hộ nuôi trồng.

“Khi chưa được giao mặt nước, những xung đột này thường xuyên xảy ra và người đi nuôi biển cũng không có căn cứ, cơ sở để ngăn cản người đánh bắt, khai thác thủy sản gần khu vực nuôi thả”, ông Ngọc nêu thực tế.

Nêu lên một khó khăn khác, ông Trần Văn Bảo, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Thắng Lợi (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết vùng biển Vân Đồn "lõm" sóng điện thoại. Người nuôi biển đặt lồng bè ngoài khơi, không có sóng điện thoại để liên lạc nên rất khó khăn trong việc sản phẩm sản xuất ra, người nuôi phải đi tìm người mua, tìm tàu thu mua cá. Vân Đồn cũng chưa có cảng cá để tiêu thụ sản phẩm. Do đó, bà con mong muốn có một cảng cá có đủ tiêu chuẩn để sản xuất ra có nơi mua bán, tiêu thụ. 

Ông Bảo cũng cho biết hiện tại, người nuôi biển vẫn chạy máy phát điện, chi phí rất lớn và không đáp ứng được yêu cầu nuôi trồng quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường do dầu thải xả ra.

Vì vậy, các hợp tác xã mong được địa phương có cơ chế chính sách, bởi khi được giao mặt nước ổn định, lâu dài, nghĩa là người dân có "đất" để canh tác, bà con sẵn sàng góp tiền để xây dựng đường điện, từ đó có nguồn năng lượng để sản xuất. "Hạ tầng nuôi biển cần có nguồn điện", ông Bảo nhấn mạnh.

Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết đối với "vùng lõm" sóng điện thoại, UBND tỉnh sẽ có sẽ có ý kiến ngay với các nhà mạng để triển khai lắp đặt. Đối với cảng cá, tỉnh đã có chủ trương xây dựng một cảng cá đảm bảo theo các tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ hỗ trợ ngư dân. Đối với hệ thống điện, chúng ta sẽ linh hoạt trong việc tận dụng khai thác các tài nguyên như điện năng lượng mặt trời....

Chia sẻ với các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng mọi sản phẩm nuôi trồng nếu chúng ta chỉ quan niệm nó là thực phẩm, đó mới chỉ là giá trị 10, thủy phẩm mới là giá trị 100. Vì vậy, bà con nuôi biển cần có tư duy tối đa hóa sản phẩm.

“Quảng Ninh đang gợi ý cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một cảm hứng rất lớn. Mới 2 năm mà đã thành lập hơn 100 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, đó là một tín hiệu rất mới... Việc thay thế gần 10 triệu phao xốp đã giải phóng cho vùng biển Quảng Ninh, đó là sự quyết tâm lớn của địa phương”, Bộ trưởng ghi nhận.